Giới doanh nhân Anh kêu gọi thỏa thuận về một "giai đoạn chuyển tiếp"

Một nhóm vận động hành lang của giới doanh nhân Anh đã kêu gọi Anh và EU nên thỏa thuận về một giai đoạn chuyển tiếp Brexit, cho phép Anh bảo vệ việc làm và đầu tư trước khi chính thức rời EU.
Giới doanh nhân Anh kêu gọi thỏa thuận về một "giai đoạn chuyển tiếp" ảnh 1Ngân hàng trung ương Anh tại London. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hiệp hội ngành kinh doanh (CBI), một nhóm vận động hành lang của giới doanh nhân Anh, ngày 6/7 kêu gọi Anh và Liên minh châu Âu (EU) nên thỏa thuận về một giai đoạn chuyển tiếp Brexit, cho phép Anh bảo vệ việc làm và đầu tư trước khi chính thức rời EU.

CBI đưa ra đề xuất trên trước thềm cuộc gặp ngày 7/7 của Bộ trưởng Brexit David Davis với các chủ doanh nghiệp Anh và sau khi ông thành lập một nhóm cố vấn kinh doanh đặc biệt để hỗ trợ đàm phán Brexit.

Theo đề xuất trên, Anh sẽ tìm cách ở lại trong thị trường chung châu Âu và liên minh thuế quan "cho đến khi một thỏa thuận cuối cùng có hiệu lực," tức là một "giai đoạn chuyển tiếp hạn chế," bắt đầu từ khi điều khoản 50 được kích hoạt cho tới cuối tháng 3/2019.

Giới chủ doanh nghiệp Anh từ lâu kêu gọi chính phủ từ bỏ kiểu "ly hôn cứng" với EU, theo đó Anh sẽ rời khỏi thị trường chung hoặc khu vực phi thuế quan và chấm dứt các chính sách tự do di chuyển về người với EU.

Họ cũng nhận định rằng sự bất trắc về các điều khoản Brexit đang tác động đến các quyết định đầu tư, đồng thời cảnh báo nếu rời khỏi thị trường chung châu Âu mà không có một thỏa thuận thương mại mới có hiệu lực, đồng nghĩa với việc nước Anh sẽ trở lại thời kỳ giao dịch theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Thủ tướng Anh Theresa May đã kích hoạt điều khoản 50 trong Hiệp ước Lisbon từ tháng 3 vừa qua, bắt đầu thời kỳ 2 năm đàm phán về Brexit. Nhưng sau khi đảng Bảo thủ của bà mất đa số trong hạ viện, triển vọng về một "Brexit cứng" đã mờ dần.

Tổng giám đốc CBI Carolyn Fairbairn nhấn mạnh: "Thay vì cắt đứt dứt khoát, Anh cần một cây cầu dẫn tới thỏa thuận mới với EU." Bà khẳng định đây không phải là kêu gọi trì hoãn Brexit mà là đề nghị một giai đoạn chuyển tiếp đủ dài để đảm bảo đạt được thỏa thuận mới.

Theo bà Fairbairn, thỏa thuận cuối cùng sẽ phải là "thỏa thuận tự do thương mại tham vọng và toàn diện nhất từ trước tới nay", một thỏa thuận đảm bảo cho các chủ tiệm bánh ở Bắc Ireland có thể bán bánh mì từ Dublin mà không bị trì hoãn hay phải vượt qua bất cứ hàng rào nào, thỏa thuận để các nhà sản xuất ôtô có thể tiếp tục mua linh kiện xe hơi từ bất cứ đâu ở EU mà không bị gây khó dễ, thỏa thuận mà các công ty dịch vụ của Anh, vốn đóng góp 80% nền kinh tế, có thể tiếp tục xuất khẩu sang thị trường chính của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục