Giới hạn trong chính sách ngoại giao con thoi của Tổng thống Hàn Quốc

Sau 6 tuần hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai diễn ra tại Hà Nội, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sắp có chuyến thăm tới Washington với nỗ lực duy trì đối thoại Mỹ-Triều.

Trang mạng lowyinstitute.org đưa tin, sau 6 tuần hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai diễn ra tại Hà Nội, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sắp có chuyến thăm tới Washington với nỗ lực duy trì đối thoại Mỹ-Triều.

Chuyến thăm dự kiến vào ngày 11/4 tới của Tổng thống Moon Jae-in sẽ diễn ra trong một bối cảnh khó khăn, khi mà Triều Tiên đe dọa rút khỏi các cuộc đàm phán hạt nhân, còn Mỹ quyết tâm theo đuổi cách tiếp cận “tất cả hoặc không có gì.”

Trong bối cảnh mà cả Mỹ và Triều Tiên đều không cho thấy sự đồng thuận, vai trò trung gian hòa giải của ông Moon Jae-in thậm chí còn quan trọng hơn bao giờ hết vì lo ngại sự sụp đổ của hội nghị thượng đỉnh Hà Nội sẽ chấm dứt hoàn toàn quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, cho đến nay, khi vai trò trung gian của ông Moon Jae-in càng được nhấn mạnh bao nhiêu, những giới hạn trong chính sách ngoại giao con thoi của ông giữa Mỹ và Triều Tiên lại càng trở nên rõ nét bấy nhiêu.

Kể từ Thế vận hội mùa Đông 2018, Tổng thống Moon Jae-in đã làm việc chăm chỉ để đưa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đến hội nghị thượng đỉnh ở Singapore và Hà Nội bằng cách qua lại với cả hai bên.

Ông đã làm dịu bớt căng thẳng liên Triều bằng việc ký kết Tuyên bố chung Bình Nhưỡng và coi các khoản đầu tư của Hàn Quốc ở Triều Tiên là một phần trong quá trình phi hạt nhân hóa.

Ông cũng thúc đẩy lộ trình phi hạt nhân hóa từng giai đoạn để giảm thiểu sự khác biệt giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Thật không may, mặc dù Moon Jae-in đang ở vị trí “người lái đò” trong việc thiết lập lại mối quan hệ hữu nghị, song ông vẫn không hề đề cập gì đến hướng đi của tiến trình này.

Điều này là do Hàn Quốc bị mắc kẹt giữa chiến thuật chia rẽ của Triều Tiên và chống chia rẽ của Mỹ - nói một cách đơn giản, nếu Triều Tiên tìm cách làm suy yếu liên minh Mỹ-Hàn bằng việc thúc đẩy sự hồi sinh của các dự án kinh tế liên Triều, Mỹ cũng sẽ đáp trả bằng việc duy trì các biện pháp trừng phạt nhằm kiềm chế sự gắn kết của Hàn Quốc với Triều Tiên.

Kết quả là một sự giằng co giữa hai bên đối với Seoul và một giới hạn rõ ràng về khả năng của Hàn Quốc trong việc điều hướng kết quả.

[Hàn Quốc: Nếu Triều Tiên phá bãi thử hạt nhân, Mỹ sẽ nới trừng phạt] 

Triều Tiên trước đây đã tìm cách sử dụng chiến thuật chia rẽ cứng và mềm để làm suy yếu liên minh Mỹ-Hàn.

Dưới thời các tổng thống theo phái tự do của Hàn Quốc như Kim Dae-jung (1998-2003) và Roh Moo-hyun (2003-2008), Triều Tiên đã sử dụng sự gắn kết về ngoại giao và kinh tế để làm giảm căng thẳng liên Triều nhằm vô hiệu hóa bản chất của cam kết quốc phòng Mỹ với Seoul trong việc chống lại mối đe dọa Triều Tiên.

Còn trong thời kỳ các tổng thống bảo thủ của Hàn Quốc như Lee Myung-bak (2008-2013) và Park Geun-hye (2013-2017), Bình Nhưỡng lại thực hiện các vụ thử nghiệm hạt nhân và đe dọa về các cuộc chiến sắp xảy ra để khiến Hàn Quốc nghi ngờ về cam kết của Mỹ trong việc đổi New York lấy Seoul trong một cuộc xung đột hạt nhân.

Trong những trường hợp này, Washington thường đáp trả bằng chiến thuật chống chia rẽ của mình. Để đối phó với nỗ lực chia rẽ mềm của Triều Tiên trong nhiệm kỳ của Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun, Washington đã cùng Seoul lên kế hoạch theo đuổi các cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng để tránh một sự rạn nứt lớn trong liên minh.

Tuy nhiên, Mỹ cũng vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt và giữ lại bất kỳ sự nhượng bộ nào trong trường hợp tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên không đạt tiến bộ.

Do đó, các cuộc Đàm phán 6 bên (gồm Triều Tiên, Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản) đã tập trung vào cách Mỹ có thể giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc Triều Tiên đóng băng và tháo dỡ các chương trình hạt nhân tên lửa của mình trên cơ sở từng bước một.

Đồng thời, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã chống lại kế hoạch của Roh Moo-hyun để mở Khu công nghiệp Kaesong và Khu nghỉ mát núi Kumgang, vốn là những dự án tạo ra lợi ích cho Triều Tiên.

Khi Triều Tiên sử dụng chiến thuật chia rẽ cứng trong nhiệm kỳ Lee Myung-bak và Park Geun-hye, Washington lại đáp trả các vụ thử nghiệm hạt nhân và các mối đe dọa chiến tranh của Triều Tiên bằng cách tái khẳng định chiếc ô hạt nhân, gửi các tài sản chiến lược của Mỹ tới Hàn Quốc và phối hợp kế hoạch “chống khiêu khích” với Seoul trong trường hợp Triều Tiên gây hấn.

Những biện pháp này dẫn đến hậu quả là sự trì hoãn việc chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến thời chiến Mỹ-Hàn, việc lắp đặt Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và sự hợp tác Mỹ-Hàn chặt chẽ hơn về khả năng tình báo, giám sát và trinh sát.

Giới hạn trong chính sách ngoại giao con thoi của Tổng thống Hàn Quốc ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc gặp ở làng đình chiến Panmunjom ngày 27/4/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Rõ ràng, khi Triều Tiên đang sử dụng chiến thuật chia rẽ mềm đối với chính quyền ông Moon Jae-in, Mỹ lại một lần nữa phải áp dụng các biện pháp trừng phạt để kiểm soát tốc độ nối lại quan hệ liên Triều, đồng thời vẫn báo hiệu mong muốn tiếp tục đối thoại với Bình Nhưỡng.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc nỗ lực đầu tư ở Triều Tiên có thể vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ, mà theo đó không cho phép các thực thể giao dịch với Triều Tiên có quyền tiếp cận các hệ thống tài chính của Mỹ.

Tuyên bố chung Panmunjom cũng cần phải nhận được sự miễn giảm các biện pháp trừng phạt mới có thể được thực thi.

Quan trọng, đến khi nào Triều Tiên vẫn còn chưa hoàn toàn phi hạt nhân hóa, Mỹ có khả năng vẫn sẽ gây áp lực đối với Moon Jae-in để không được mở lại Kaesong và Kumgang.

Sự sàng sàng duy trì đối thoại của Washington cho thấy họ vẫn ủng hộ tiến trình nối lại quan hệ diễn ra, song việc kiểm soát các biện pháp trừng phạt giúp họ có được tiếng nói cuối cùng đối với tốc độ và kết quả của tiến trình này.

Về phần mình, Triều Tiên hiểu rằng việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt chính là chìa khóa cho chiến thuật chia rẽ mềm của họ. Lý do là bởi việc giảm nhẹ trừng phạt sẽ giúp tăng cường những trao đổi chính trị và kinh tế liên Triều. Do đó, mặc dù các biện pháp trừng phạt hiện tại không gây ảnh hưởng quá mạnh mẽ đến Triều Tiên, song nước này vẫn yêu cầu một sự giảm nhẹ như vậy tại hội nghị thượng đỉnh Hà Nội.

Việc Mỹ và Triều Tiên không thể đạt được đồng thuận về phạm vi giảm nhẹ trừng phạt cho thấy vị trí trung tâm của các biện pháp trừng phạt trong cuộc cạnh tranh giành lấy Hàn Quốc này cũng như khả năng hạn chế của ông Moon Jae-in trong việc điều hướng kết quả bất chấp vai trò là người hòa giải của ông.

Khi Moon Jae-in tới Mỹ vào tuần tới, ông sẽ tìm cách điều chỉnh các cuộc đàm phán hạt nhân. Tuy nhiên, ông không thể thay đổi hiện trạng khi Triều Tiên và Mỹ đang sử dụng các chiến thuật của riêng mình để chống lại nhau.

Điều tốt nhất Moon Jae-in có thể hy vọng sau cuộc gặp với Trump chính là việc Triều Tiên tiếp tục ngừng thử nghiệm hạt nhân tên lửa và tìm cách đảm bảo sự kiên nhẫn của Mỹ trong các cuộc đàm phán tương lai với Bình Nhưỡng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục