Giới quản lý chưa thực sự tin trưởng vào các nhà khoa học trẻ?

Thiếu môi trường nghiên cứu, cơ chế tài chính rườm rà, đặc biệt là sự thiếu tin tưởng của các cấp quản lý vào nhà khoa học trẻ là cản trở cho sự phát triển khoa học Việt.
Giới quản lý chưa thực sự tin trưởng vào các nhà khoa học trẻ? ảnh 1Buổi gặp gỡ là cơ hội để các nhà khoa học trẻ giãi bày những tâm tư lên lãnh đạo Chính phủ. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Trong không khí cởi mở, tại cuộc gặp mặt với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vào sáng 11/9, nhiều nhà khoa học trẻ đã đưa ra những kiến nghị tâm huyết nhằm giúp họ phát triển, đóng góp nhiều hơn cho đất nước và cho nền khoa học.

Từ kinh nghiệm của mình, tiến sỹ Phạm Văn Phúc (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, để xây dựng được đội ngũ các bạn trẻ đam mê khoa học thì cần đội ngũ những người thầy đam mê khoa học và biết truyền đam mê đó cho học trò của mình. Thế nhưng, anh cho rằng hiện Việt Nam còn thiếu cách đào tạo này. Bởi vậy, rất cần thiết việc xây dựng những trung tâm đào tạo mà ở đó có các nhà khoa học sẵn sàng thổi ngọn lửa đam mê cho học trò.

Vừa là giảng viên, vừa là cán bộ nghiên cứu khoa học trong trường đại học, anh Phúc chia sẻ mình và nhiều nhà khoa học trẻ khác gặp không ít khó khăn. Nhưng, khó nhất chính là tâm lý của nhiều cán bộ trong một số trường dường như cản trở các công tác nghiên cứu khoa học.

“Tôi có dịp đi đến một số trường đại học, phần lớn nhiều người còn chưa thoát ra được quan điểm trường là nơi chỉ để dạy. Có lẽ rất ít ở đâu có, một số người nghĩ rằng trường đại học là nơi để nghiên cứu trong khi đây là nơi thuận lợi nhất để triển khai các nghiên cứu khi tập hợp đội ngũ tri thức dồi dào, sinh viên năng động. Sự kết hợp của thầy-trò tạo nên sức mạnh to lớn để giải quyết các bài toán khó khăn nhất trong khoa học công nghệ,” tiến sỹ Phúc nói.

Vị tiến sỹ trẻ này cũng cho rằng, cho dù thời gian gần đây có nhiều chính sách động viên, khuyến khích phát triển khoa học trong nước song có nhiều quy định chưa thuận lợi, phiền hà cho các nhà khoa học khi tiến hành nghiên cứu, đặc biệt là quy định về tài chính, chưa tạo môi trường tốt cho nghiên cứu khoa học.

“Thậm chí, có quy định cho thấy sự thiếu tin tưởng của các cấp quản lý vào các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ. Đây là nguyên nhân chính gây nên sự chán nản của nhiều nhà khoa học khi sử dụng kinh phí của Nhà nước, và làm chậm đáng kể sự phát triển khoa học và công nghệ của quốc gia,” anh Phúc nhấn mạnh.

Giới quản lý chưa thực sự tin trưởng vào các nhà khoa học trẻ? ảnh 2Tiến sỹ Phạm Thị Tuyết Nhung mong muốn các cấp lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách tin tưởng hơn vào nhà khoa học trẻ. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Đồng tình, Tiến sỹ Phạm Thị Tuyết Nhung (Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng bày tỏ mong muốn các cấp lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học đi trước tin tưởng hơn vào nhà khoa học trẻ.

“Chúng tôi luôn muốn được nắm bắt thông tin về chính sách phát triển khoa học và công nghệ của đất nước, mong muốn được đóng góp ý kiến trong phạm vi và khả năng của mình vào việc xây dựng, lên kế hoạch cho những chương trình như vậy,” chị Nhung bày tỏ.

Chị Nhung cũng cho biết có một số trường hợp mua máy móc thiết bị nghiên cứu nếu như tham khảo ý kiến của những người được dự kiến sẽ sử dụng thiết bị đó trong tương lai (trong đó có cả các nhà khoa học trẻ) thì nhà nước đã có thể tiết kiệm được một lượng kinh phí đáng kể so với nguồn kinh phí đã phải bỏ ra khi việc mua thiết bị được chỉ đạo từ trên xuống.

Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Trung Thành (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì kiến nghị, việc xây dựng và phát triển đội ngũ làm chuyên trách nghiên cứu khoa học hay chế độ cho giảng viên tham gia công tác nghiên cứu khoa học trong trường đại học cần được quan tâm đặc biệt bằng các cơ chế, chính sách mới. Không chỉ là khuyến khích, động viên mà có thể có những chế tài pháp lý phù hợp, bắt buộc đối với nhà trường và giảng viên. Đặc biệt, cần có chính sách tạo điều kiện cho giảng viên thức sự làm nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, phó giáo sư Lê Trung Thành cũng kiến nghị nhà nước cần quan tâm xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm, các khu công nghệ cao để tạo môi trường làm việc tiện ích và hiệu quả.

Trong khi đó, tiến sỹ Nguyễn Bá Hải, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay có 3 nhóm đối tượng làm khoa học gồm đam mê và dấn thân; cần động viên (hỗ trợ ít) và cần hỗ trợ.

Bởi vậy, tiến sỹ Hải đề nghị Nhà nước cần quan tâm, đầu tư cho nhóm 1 vì ở đó có con người tâm huyết và dấn thân cho công cuộc nghiên cứu ra những công nghệ, sản phẩm khoa học có hiệu quả.

Bên cạnh đó, anh Hải cũng khuyến nghị các nhà khoa học trẻ không được thỏa hiệp với bản thân, cần dấn thân vào khoa học và sáng tạo ra nhiều cách làm để đi đến thành công cũng như coi khó khăn là bệ đỡ để nâng mình lên, tranh thủ thời cơ vàng để khẳng định mình…/.

Chiều 11/9, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các nhà nhà khoa học trẻ tới thăm quan thực tế Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Tại đây, đoàn đến thăm Làng Phần mềm FPT (F-Ville) - dự án phần mềm đầu tiên và có quy mô lớn nhất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Trường Đại học FPT, một trong những trường điển hình về đào tạo công nghệ thông tin trong nước.

Tại Việt Nam, FPT là công ty công nghệ thông tin và viễn thông có đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin lớn hàng đầu Đông Nam Á, với tổng số cán bộ công nhân viên lên đến 25.551 người, trong đó có khoảng 8.530 kỹ sư, lập trình viên, chuyên gia công nghệ theo tiêu chuẩn quốc tế. FPT cũng nổi tiếng là nơi quy tụ nhiều tài năng trẻ của đất nước, với độ tuổi trung bình của cán bộ nhân viên là 27,8 tuổi.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục