Giới thiệu 200 hiện vật và hình ảnh linh vật Việt tại Hà Nội

Triển lãm “Linh vật Việt” giới thiệu tới công chúng khoảng 200 hiện vật, hình ảnh chụp linh vật tại các di tích và các sản phẩm phục dựng linh vật do các nghệ nhân, nhà điêu khắc thực hiện.
Giới thiệu 200 hiện vật và hình ảnh linh vật Việt tại Hà Nội ảnh 1Hình ảnh rồng đá thành bậc ở đình Phương Quan (Hà Nội) được trưng bày tại triển lãm. (Ảnh: BTC)

Khoảng 200 hiện vật, hình ảnh chụp linh vật tại các di tích và các sản phẩm phục dựng linh vật do các nghệ nhân, nhà điêu khắc Hà Nội thực hiện đang được giới thiệu tới công chúng tại triển lãm “Linh vật Việt.”

Chương trình đã chính thức khai mạc sáng nay (22/11) tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội); dự kiến kéo dài đến Tết Đinh Dậu 2017.

Các loại linh vật được trưng bày lần này bao gồm: rồng, phượng, nghê, lân, sư tử, hổ, ngựa, voi, hạc...

Đại diện ban tổ chức cho biết, linh vật là những con vật trong huyền thoại hoặc có thật được linh thiêng hóa, được sử dụng như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý niệm và niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng…

Linh vật cũng góp phần quan trọng phản ánh diễn trình phát triển của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Các loại linh vật (rồng, phượng, nghê, lân, sư tử…) do người Việt Nam sáng tạo ra hoặc là sản phẩm của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa bên ngoài.

[Cục Mỹ thuật giới thiệu các mẫu biểu tượng, linh vật thuần Việt]

Trong quá trình hình thành và phát triển, linh vật vừa mang những đặc điểm chung, phù hợp với truyền thống văn hóa vừa có những biển đổi, thể hiện phong cách nghệ thuật đặc trưng của mỗi thời kỳ.

Ví dụ như, ở thời kỳ Lý-Trần, Phật giáo là quốc giáo. Bởi vậy, hình tượng rồng thời kỳ này cũng chịu sự ảnh hưởng của Phật giáo. Rồng thời Lý-Trần có tính biểu tượng cao và đặc điểm tạo hình đẹp, thống nhất (uốn lượn đều đặn, thắt túi nhỏ dần về đuôi; tùy từng môtíp trang trí lớn hay nhỏ mà con rồng có vẩy hoặc không). Thời kỳ này, hình tượng rồng thường xuất hiện trong các công trình kiến trúc (dùng để trang trí thành bậc, bệ thờ, ngói…).

Đến thời kỳ Lê sơ, Nho giáo phát triển mạnh. Tạo hình rồng có nhiều thay đổi, rời xa tạo hình thời Lý-Trần. Rồng trở thành biểu tượng cho uy quyền nhà vua.

Giới thiệu 200 hiện vật và hình ảnh linh vật Việt tại Hà Nội ảnh 2Sư tử đội tòa sen. (Ảnh: BTC)

Triển lãm “Linh vật Việt” nhằm góp phần giúp công chúng có cái nhìn sâu hơn về tạo hình, ý nghĩa cũng như sự biến đổi của các loài linh vật qua các giai đoạn lịch sử. Chương trình do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội và Nhóm Đình làng Việt tổ chức, hướng tới kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11)./.

Ngày 8/8/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức có Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL gửi các Ban, Bộ, ngành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành phố, các cơ quan đơn vị yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Công văn này được đưa ra khi nhiều địa phương tiến hành trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật (sư tử bằng đá) không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, cơ quan gây phản cảm.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục