Giới thiệu cuốn sách về chỉ số hợp tác Việt Nam

Bộ Công thương đưa ra các chỉ số đánh giá về mức độ hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch... giữa Việt Nam với 9 đối tác chính.
Nhằm mục đích nâng cao năng lực quản lý và điều phối hội nhập kinh tế quốc tế, chiều 31/3 tại Hà Nội, Văn phòng Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Bộ Công thương đã tổ chức buổi Hội thảo giới thiệu cuốn sách về "Chỉ số hợp tác Việt Nam 1995-2009".

Đây là tài liệu đầu tiên của Việt Nam đưa ra các chỉ số đánh giá về định lượng mức độ hợp tác về thương mại, đầu tư, giáo dục, du lịch và viện trợ giữa Việt Nam với 9 đối tác chính là ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, EU, Hoa Kỳ và Canada.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh, mặc dù đối tượng nghiên cứu của cuốn sách là các con số đánh giá xu hướng và mức độ gắn kết giữa các nền kinh tế, song báo cáo về chỉ số hợp tác Việt Nam 1995-2009 lại là những vấn đề được quan tâm thường xuyên trong đời sống kinh tế xã hội hàng ngày.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang được quan tâm từ nhiều góc độ, đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế khu vực và thế giới đang có những diễn biến phức tạp thì việc đánh giá tác động của các hoạt động hợp tác trong giai đoạn trước cáng sâu sắc, càng toàn diện sẽ giúp việc hoạch định chính sách cho giai đoạn phát triển tiếp theo càng thuận lợi.

Báo cáo đánh giá kết quả cho thấy, năm 2009, chỉ số hợp tác với 9 đối tác trên ít chịu tác động bởi khủng hoảng hơn chỉ số với phần còn lại của thể giới, chỉ giảm 3,6%, trong khi phần còn lại của thế giới giảm gần 50%.

Đối tác có chỉ số cao nhất vào cuối kỳ là Hoa Kỳ do chỉ số đầu tư tăng mạnh, tiếp đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, New Zealand, Asean, Australia, Canada và EU.

Cũng theo báo cáo, khủng hoảng kinh tế dù ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư và du lịch nhưng không ảnh hưởng đến giáo dục với tất cả các đối tác.

Số lượng du học sinh Việt Nam đi du học tại 9 đối tác chính liên tục tăng nhanh trong giai đoạn từ năm 2003-2009 và Australia là nơi có nhiều lưu học sinh Việt Nam nhất.

Về viện trợ, Nhật Bản là quốc gia viện trợ song phương lớn nhất và thường xuyên nhất cho Việt Nam, tiếp theo là EU và Australia.

Tuy nhiên, hợp tác về đầu tư với các đối tác vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của các bên.

Theo Đại sứ Australia tại Việt Nam, Allaster Cox, dựa trên những dữ liệu về thương mại và đầu tư thì chỉ số này cũng nêu bật những thành công về hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Bộ chỉ số còn chỉ rõ những thành tựu Việt Nam đạt được và cũng là chỉ số để các nước như Australia và New Zealand công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường trong những năm 2009.

Đặc biệt, với bộ chỉ số này sẽ giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư thấy được cấp độ hội nhập của Việt Nam trong tương lai./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục