Ngày 17/7 tại thành phố Hà Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh khai trương triển lãm trưng bày “Di sản văn hóa thời Trần ở Hà Giang.”
Triển lãm nhằm giới thiệu những di sản văn hóa độc đáo thời Trần đến với đồng bào các dân tộc Hà Giang, qua đó góp phần giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc Hà Giang học tập, nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, văn hóa thời Trần trên đất Hà Giang.
Các sưu tập hiện vật gốc sẽ giúp người xem hiểu thêm về lịch sử phát triển của mảnh đất Hà Giang và giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Triển lãm trưng bày gần 400 hiện vật tiêu biểu, đặc sắc của di sản văn hóa thời Trần ở Hà Giang và gần 100 bức ảnh, tài liệu đã được các nhà khảo cổ học khai quật tại ngôi chùa cổ Nậm Dầu thuộc xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên.
Nhiều hiện vật lần đầu tiên phát hiện được ở Việt Nam như đầu đao hai mặt tạo nổi hình rồng; tượng rồng cá chép; tượng uyên ương được trang trí khá đẹp bằng đất nung, qua đó khẳng định sự phát triển, vai trò của vùng đất Hà Giang trong thời kỳ phong kiến nhà Trần.
Các di sản văn hóa độc đáo thời Trần tại Hà Giang được trưng bày là những dấu tích của nền móng kiến trúc, các vật liệu xây dựng mang ý nghĩa lịch sử và nhân văn sâu sắc, phản ánh tiến trình lịch sử phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Không chỉ là những cổ vật tiêu biểu mà các hiện vật được trưng bày còn là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc có giá trị trong điêu khắc truyền thống dân tộc, như Chuông chùa Bình Lâm, hiện ở xã Phú Linh, một trong những quả chuông có niên đại sớm nhất được biết đến ở Việt Nam; bia đá Chùa Sùng Khánh thời Trần thế kỷ XIII, XIV hiện ở Chùa Sùng Khánh, thuộc xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia./.