Giới thiệu lễ hội "Ký ức cầu Long Biên" tại Pháp

Lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của mình, cầu Long Biên, bắc qua sông Hồng ở Hà Nội, sẽ được tôn vinh trong một lễ hội văn hóa-nghệ thuật với qui mô hoành tráng vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô sắp tới.

Lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của mình, cầu Long Biên, bắc qua sông Hồng ở Hà Nội, sẽ được tôn vinh trong một lễ hội văn hóa-nghệ thuật với qui mô hoành tráng vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô sắp tới.

Sáng kiến này của kiến trúc sư Nguyễn Nga – một Việt kiều tại Pháp, giám đốc "Ngôi nhà nghệ thuật" (Maison des Arts) đã được công bố trong cuộc triển lãm tranh và ảnh mang chủ đề "Ký ức cầu Long Biên", khai mạc tối 22/6 tại Trung tâm văn hóa Việt Nam tại thủ đô Paris.
 
Phát biểu trước đông đảo quan khách Pháp và Việt kiều, chị Nguyễn Nga nhấn mạnh đây là hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm tôn vinh cây cầu đã gắn bó với lịch sử của thủ đô Hà Nội trong suốt hơn 100 năm qua, đồng thời hướng tới Lễ kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long-Hà Nội.

Sáng kiến đã nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, bộ Ngoại giao Việt Nam và đặc biệt là của đông đảo các doanh nhân, sử gia, nghệ sĩ và nhiều người dân Hà Nội, những người tình nguyện đóng góp cả về vật chất và tinh thần cho dự án. Người bạn đời của chị, đạo diễn người Pháp Danile Roussel, nổi tiếng với những bộ phim về Việt Nam, cũng giúp bà làm một bộ phim về cầu Long Biên.
 
Phát biểu về nguồn gốc ý tưởng độc đáo này, chị Nguyễn Nga tâm sự : "Do sống gần tháp Eiffel, tôi thường được chứng kiến những lễ hội chung quanh ngọn tháp vốn là biểu tượng của Paris. Trở về Hà Nội trong những năm gần đây, tôi đã có những cảm xúc thật đặc biệt khi đi trên cầu Long Biên. Từ đó tôi nảy ra ý nghĩ cần phải tôn vinh cây cầu, vốn dĩ là niềm tự hào của người Hà Nội. Tôi mong muốn cầu Long Biên không chỉ là cây cầu nối hai bờ sông Hồng mà sẽ là cây cầu nối Việt Nam với thế giới, một biểu tượng không thể thiếu của Hà Nội trong tương lai, như tháp Effel của Pháp, tượng Nữ thần tự do của Mỹ…, nơi mà bất cứ khách du lịch nào cũng không thể bỏ qua khi đến thăm Thủ đô".
 
Theo dự kiến trong trong hai ngày lễ hội (10 và 11/10), lịch sử hình thành và phát triển của cây cầu trong hơn 1 thế kỷ qua sẽ được tái hiện thông qua nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật, cả cổ truyền và đương đại. Trong lễ khai mạc, một toa tàu cổ có từ thế kỷ 19 sẽ đưa các vị quan khách đi từ ga Gia Lâm qua cầu vào ga Long Biên.
 
Các tác phẩm điêu khắc, hội họa, nhiếp ảnh gắn với cây cầu và cuộc sống người dân Hà Nội qua các giai đoạn lịch sử sẽ được trưng bày suốt dọc cầu theo trình tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại. Từ những nét sinh hoạt cổ xưa của một Hà Nội cuối thế kỷ 19 với những gánh hàng cốm, hàng hoa, hàng kẹo kéo... cho đến hình ảnh đất nước ngày nay, trong quá trình xây dựng, phát triển và hội nhập sẽ được tái hiện lại bằng các hoạt động mô phỏng.
 
Ở hai đầu cầu là hai sân khấu âm nhạc hoành tráng, một bên sẽ thể hiện những loại hình nghệ thuật cổ truyền như chầu văn, ca trù, quan họ, chèo… và sấn khấu bên kia là nơi trình diễn các loại hình âm nhạc mới mẻ như hip hop, pop, rock... Có khoảng 10 làng nghề truyền thống tiểu biểu như gốm Bát Tràng, tranh Đông Hồ… và những món ăn mang đậm hương vị Việt Nam được giới thiệu trong các gian hàng được tái hiện theo phong cách của những năm cuối thể kỷ 19 đến nay. Đặc biệt, ban tổ chức sẽ thực hiện một cuộc thi diều sáo do các nghệ nhân từ làng Bái Giang (Hà Nội), Kim Thành (Hải Dương), Hải Phòng và Hà Nội thực hiện.
 
Bà Nguyễn Nga hy vọng, lễ hội này sẽ được tổ chức hàng năm và trong tương lai khi đã có những cây cầu thay thế phục vụ nhu cầu đi lại, cầu Long Biên sẽ trở thành một cây cầu đi bộ nối từ Gia Lâm đến nhà Hát Lớn, là một khu du lịch độc đáo của Hà Nội. Cây cầu này sẽ có thể trở thành nơi những người Hà Nội và khách phương xa vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa ngắm sông Hồng êm đềm, vừa suy tư về một thời kỳ lịch sử của dân tộc.
 
Được khánh thành vào năm 1903, cầu Long biên là một trong những công trình của kiến trúc sư người Pháp nổi tiếng thế giới Gustave Eiffel. Với cái tên ban đầu, cầu Doumer (tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer), cầu Long Biên từng là một trong bốn cây cầu dài nhất thế giới và nổi bật nhất Viễn Đông thời kỳ cuối thể kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, cầu được coi là một nhân chứng lịch sử, chứng kiến những biến cố thăng trầm của Hà Nội trong suốt chiều dài từ cuối thế kỷ 19, thời kỳ Đông Dương thuộc địa Pháp, trải qua hai cuộc kháng chiến, chứng kiến sự chuyển mình của đất nước trong thời kỳ xây dựng và đổi mới cuối thể kỷ 20, đầu thế kỷ 21.
 
Cho đến nay, sau hơn một trăm năm tồn tại, cầu Long Biên vẫn luôn là một hình ảnh quen thuộc với nhiều người, nhiều thế hệ và trở thành một biểu tượng văn hóa, lịch sử của thủ đô Hà Nội./. 

Nguyễn Thu Hà/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục