Giới thiệu văn hoá các dân tộc thiểu số qua hội chợ hàng thủ công

Hội chợ được tổ chức với hơn 40 quầy hàng bày bán các sản phẩm thủ công đặc sắc, mang đậm nét văn hoá truyền thống của các nhóm dân tộc thiểu số và nhiều hoạt động vui chơi cho trẻ em.
Giới thiệu văn hoá các dân tộc thiểu số qua hội chợ hàng thủ công ảnh 1Nhiều khách nước ngoài thích thú mua sắm các sản phẩm thổ cẩm. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Một hội chợ được tổ chức với hơn 40 quầy hàng bày bán các sản phẩm thủ công đặc sắc, mang đậm nét văn hoá truyền thống của các nhóm dân tộc thiểu số. Không chỉ dành cho người lớn đến mua sắm, hội chợ còn là nơi các em nhỏ được tham gia vào các trò trơi dân gian, tập làm các sản phẩm thủ công truyền thống, học hỏi thêm những nét đẹp văn hoá của các dân tộc.

Đây là những nội dung hoạt động của Hội chợ hàng thủ công truyền thống lần thứ 26 do Trung tâm Craft Link tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ngày 19/11.

Hội chợ Hàng thủ công truyền thống có 44 quầy hàng, quy tụ nhiều nhóm sản xuất từ các vùng miền của đất nước, trong đó có 22 quầy của các nhóm dân tộc thiểu số, 22 quầy của các nhóm khuyết tật và làng nghề truyền thống. Dự kiến, hội chợ thu hút gần 5.000 khách đến tham quan, giao lưu văn hóa và mua sắm chỉ trong một ngày mở cửa.

Thông qua hội chợ, các nhóm sản xuất không chỉ bán được hàng, tăng thêm thu nhập cho bản thân, mà còn có dịp để giao lưu trực tiếp với du khách và hiểu kỹ hơn về thị hiếu và thói quen tiêu dùng của họ. Khánh hàng không chỉ đến để mua các sản phẩm thủ công truyền thống, xem các tiết mục văn nghệ đặc sắc, đậm đà tính dân tộc, mà còn có dịp để học hỏi thêm về truyền thống văn hóa của các nhóm dân tộc thiểu số và các nhóm làng nghề…

Bà Lý Thị Rủ, đang bày bán các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của dân tộc Mông ở Lào Cai tại hội chợ chia sẻ: “Hàng năm chúng tôi đều được hỗ trợ tham gia mở gian hàng tại hội chợ, ở đây không chỉ bày bán được nhiều hơn mà còn giới thiệu được các sản phẩm thổ cẩm, trang sức truyền thống của dân tộc mình, học hỏi các nơi khác làm thêm các sản phẩm thiết thực hơn.”

Tại hội chợ còn có các hoạt động trình diễn nghề: dệt thổ cẩm, vẽ Batik, thêu …và các hoạt động vui chơi giải trí, các hoạt động mang tính giáo dục cho trẻ em. Các em nhỏ được tham gia các hoạt động hữu ích miễn phí như: tập làm các sản phẩm thủ công, vẽ mặt nạ, làm thiệp chúc mừng, làm vòng tay, tô mầu các mẫu hoa văn dân tộc thiểu số, tập thiết kế thời trang v.v… Thông qua các hoạt động này, các em sẽ hiểu rõ hơn về các quy trình làm hàng thủ công truyền thống, đồng thời các em nhận thức được giá trị của lao động và đây sẽ là những kiến thức quý báu để các em mang theo trong suốt cuộc đời.

Hội chợ là một trong những sự kiện mà hàng năm Craft Link tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm làng nghề và truyền thống văn hóa của họ./.

Craft Link là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận và công bằng thương mại của Việt nam hoạt động với mục đích trợ giúp các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm khuyết tật và các nhóm làng nghề… khôi phục nền văn hóa truyền thống và tăng thêm thu nhập cho thợ thủ công nghèo.
Khách tham quan hội chợ thích thú với các gian hàng thủ công công truyền thống và hoạt động văn hoá dân gian
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục