Giới trí thức trăn trở bàn giữ gìn bản sắc văn hóa Thủ đô

Giới trí thức đã có cuộc hội thảo, tìm giải pháp khơi dậy nét đẹp văn hóa Thủ đô văn hiến để chúng trở thành nguồn lực nội sinh giúp Thủ đô phát triển.
Giới trí thức trăn trở bàn giữ gìn bản sắc văn hóa Thủ đô ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Dương Hội/Vietnam+)

Thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, là nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc, tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam. Do vậy, vấn đề phát triển văn hóa Hà Nội mang ý nghĩa quan trọng.

Với khẳng định năng lực nội sinh của văn hóa có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội, ngày 6/3, hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và phát triển văn hóa ở Thủ đô trong quá trình 30 năm đổi mới” đã được tổ chức tại Hà Nội. Tham gia hội thảo có sự đóng góp của đông đảo trí thức tiêu biểu của Thủ đô.

Gần 30 năm qua, từ sau đổi mới, Hà Nội cùng cả nước đã trải qua nhiều biến động dữ dội, đó là các biến động trên lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển đổi kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế tạo nên. Tất cả những vấn đề đó đều tác động đến đời sống văn hóa Thủ đô và đều đòi hỏi phải tập trung cao độ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa ở Thủ đô.

Là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc, Hà Nội là một trong số ít những địa phương quy tụ một cách "đậm đặc" nhiều chứng tích lịch sử. Bên cạnh đó, Hà Nội có một đội ngũ lớn các trí thức, văn nghệ sỹ mà sự nghiệp của họ đã được khẳng định.

Nhưng có lẽ cũng giống nhiều địa phương khác, Hà Nội vẫn chưa xây dựng được văn hóa, văn minh đô thị, công sở. Tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Tội phạm xã hội vẫn gia tăng, môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái vẫn bị ô nhiễm.

Tại hội thảo, những tham luận của các đại biểu được nêu ra đã khẳng định tầm quan trọng của nền văn hóa văn hiến, nhằm tìm ra giải pháp, hướng đi cho sự phát triển văn hóa Hà Nội như “Văn hóa với vai trò là nguồn lực nội sinh của sự phát triển” của giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Bính; “Đôi điều về thách thức đối với văn hóa Thủ đô hiện nay” của phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Xuân Hằng; “Bàn về việc xây dựng thương hiệu văn hóa cho Hà Nội” của phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Hoài Sơn; “Sản nghiệp văn hóa Thăng Long-Hà Nội và một số vấn đề về nhận thức trong mối quan hệ với phát triển kinh tế” của tiến sỹ văn hóa học Nguyễn Ngọc Mai…

Tại hội thảo, những bài tham luận đã nêu ra được thành tựu đạt được trong việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa đặc sắc của Thủ đô song hiện nay, để văn hóa trở thành mục tiêu và động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội, Thủ đô còn gặp nhiều khó khăn, bất cập như những kết quả đạt được chưa đủ mạnh để văn hóa trở thành động lực, đòn bẩy phát triển đồng bộ với kinh tế, xã hôi; công tác quản lý gặp nhiều khó khăn cũng như trình độ cán bộ quản lý còn yếu và thiếu, chưa đủ năng lực làm việc; công tác bảo tồn và phát huy các di tích, di sản văn hóa chưa đáp ứng được thực trạng xuống cấp di tích hiện nay; nạn mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh để trục lợi.

Tiến sỹ văn hóa học Nguyễn Ngọc Mai, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhìn nhận thẳng thắn vấn đề bất cập của văn hóa hiện nay: “Những năm qua chúng ta cũng chỉ làm cái việc là khai thác nguồn lực là chính, tức là mới đem các di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể ra để khoe thiên hạ, thậm chí là kinh doanh để kiếm lời.”

Để khắc phục những tồn tại hiện nay, các đại biểu đã cùng trao đổi, tìm ra các giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa Hà Nội, lưu giữ những nét văn hóa ngàn đời để lại như tiếp tục xây dựng văn bản pháp luật về văn hóa đô thị; quy hoạch không gian cho hoạt động văn hóa; tiếp tục hoàn thiện quy hoạch đô thị để phát triển văn hóa Thủ đô; ban hành các chính sách khuyến khích sáng tạo trong các hình thức sinh hoạt văn hóa trong nhân dân đô thị; phân cấp quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa.

Hiện nay, Hà Nội đã thực hiện việc quy hoạch phát triển văn hóa phù hợp với từng địa bàn trên 29 quận, huyện; tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp; trùng tu, tôn tạo các di tích, khu du lịch; tập trung tổ chức hoạt động lễ hội truyền thống.

Lợi thế có nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử và điểm đến du lịch nổi tiếng là những tiềm năng về văn hóa của Hà Nội. Do đó, việc phát triển văn hóa du lịch, kinh tế du lịch và các ngành dịch vụ sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế thủ đô phát triển nhanh, bền vững và có chiều sâu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục