Giới văn nghệ tiếc thương nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Từ giã cuộc đời ở tuổi 82, nhà văn Nguyễn Quang Sáng - cây đại thụ của làng văn học Việt Nam - đã để lại bao nỗi tiếc nhớ cho nhiều thế hệ.

Làng văn nghệ Việt Nam đã bày tỏ nổi tiếc thương khi cây đại thụ của nền văn học Việt Nam, nhà văn Nguyễn Quang Sáng trút hơi thở cuối cùng hôm 14/2.

Sinh thời, tác giả của ''Đất lửa,'' ''Chiếc lược ngà,'' ''Mùa gió chướng''.… được coi là một trong những cây bút tiêu biểu nhất của dòng Văn học Giải phóng ở miền Nam, con người đa tài, ghi dấu ấn sâu đậm với bao thế hệ độc giả với nhiều thể loại khác nhau, từ truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký cho tới kịch bản phim...

Gia tài văn chương đồ sộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhiều người vẫn gọi thân mật là anh Năm Sáng, đã để lại một sự nghiệp văn chương đồ sộ, thắm đượm tình đất, tình người Việt Nam, từng tác phẩm đều mang đậm sự dung dị, mộc mạc của nhà văn đất phương Nam.

Cuộc đời và sự nghiệp của "cây đại thụ làng văn học Việt" gắn liền với giai đoạn lịch sử của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ.

Từ năm 1946, ông xung phong vào bộ đội, làm liên lạc viên. Đến năm 1948, ông được đi học văn hóa tại trường Trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố. Sau đó, ông về công tác tại Phòng chính trị Bộ Tư lệnh phân khu miền Tây Nam bộ.

Từ năm 1955 đến năm 1966, Nguyễn Quang Sáng tập kết ra Bắc, rồi làm biên tập viên Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau đó, ông vào chiến trường miền Nam làm cán bộ sáng tác của Hội Văn nghệ Giải phóng.

Trong giai đoạn này, ông đã xuất bản nhiều tác phẩm văn xuôi ghi dấu ấn trong làng văn Việt Nam như ''Con chim vàng'' (1957), ''Người quê hương'' (1958), ''Đất lửa'' (1963), ''Nhật ký người ở lại'' (1962)...

Ông cũng được vinh danh với nhiều giải thưởng văn học như truyện ngắn ''Ông Năm Hạng,'' giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn báo Thống Nhất (1959); truyện ngắn ''Tư Quắn,'' giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội (1959)…

Không chỉ dừng ở đó, Nguyễn Quang Sáng còn là nhà biên kịch xuất sắc với các kịch bản phim ''Mùa gió chướng,'' ''Cánh đồng hoang,'' ''Pho tượng,'' ''Mùa nước nổi,'' ''Thời thơ ấu''…

Khi đất nước hòa bình, nhà văn Nguyễn Quang Sáng trở về Thành phố Hồ Chí Minh đảm nhận chức Tổng thư ký (sau gọi là Chủ tịch) của Hội Nhà văn thành phố các khóa 1,2,3.

Muôn lòng tiếc thương cây đại thụ văn học

Vĩnh biệt cuộc đời ở tuổi 82, nhà văn Nguyễn Quang Sáng - cây đại thụ của làng văn học Việt Nam - đã để lại bao nỗi tiếc nhớ cho nhiều thế hệ.

Trước sự ra đi lặng lẽ và đột ngột của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà thơ Vũ Trọng Quang chia sẻ: "Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một sự mất mát rất lớn cho nền văn học nước nhà. Ông là một trong những nhà văn gắn bó cả cuộc đời mình với văn chương qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc. Đến khi đất nước hòa bình, Nguyễn Quang Sáng vẫn là một người anh luôn tận tâm dẫn dắt nhiệt tình cho đàn em trên con đường văn chương."

Nhà thơ Vũ Trọng Quang bồi hồi nhớ lại: ''Cách đây cũng đã hơn 10 năm, trong lần kết nạp vào Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, tôi gặp nhà văn khi ông đã ở tuổi mà người xưa gọi là 'thất thập cổ lai hy'. Người già không tránh khỏi bệnh tật nhưng tinh thần ông vẫn lạc quan, vẫn tươi cười, nhiệt tình chỉ dẫn thấu đáo''.

Nhà thơ Trần Hữu Dũng bộc bạch: ''Bệnh nặng, thế mà anh Sáng vẫn lai rai cùng giới văn nghệ. Biết tin anh mất, tôi không ngạc nhiên nhiều, chỉ tiếc là sau này, sẽ không còn được đọc những trang viết mới của anh nữa. Mong anh sớm gặp lại những người bạn chí cốt như Trịnh Công Sơn, Bảo Phúc..., như con anh, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, mong muốn."

Kể về những ấn tượng về nhà văn trong những lần gặp gỡ Nguyễn Quang Sáng, nhà thơ Trần Hữu Dũng tâm sự, Nguyễn Quang Sáng là nhà văn tiêu biểu của đồng bằng miền Tây Nam bộ. Ông nổi danh về truyện ngắn, kịch bản phim thời kháng chiến chống Mỹ. Ông cũng là người quảng giao, thích hội hè. Trong nhiều dịp cùng nhà văn Nguyễn Quang Sáng cụng ly, tán gẫu tại nhiều nơi ở Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây, nhà thơ Trần Hữu Dũng rất ấn tượng về khiếu kể chuyện của nhà văn. Một vị lão thành đã gọi Nguyễn Quang Sáng là ''tay chơi miệt vườn'' - khá đúng với con người ông.

Tại Lễ viếng nhà văn Nguyễn Quang Sáng chiều 14/2, nhà văn Triệu Xuân xúc động chia sẻ: ''Anh Năm Sáng là người sống chân tình, không cách biệt với mọi người, đặc biệt là anh em trong giới. Trong 5 năm qua, dù sức khỏe không còn được như xưa, nhưng anh Năm vẫn miệt mài viết kịch bản, viết báo, bút ký. Anh còn giao truyện ngắn cuối cùng 'Lời chị dặn' cho tôi xuất bản. Sự ra đi của anh là một tổn thất lớn cho nền văn chương nước nhà và không có gì bù đắp được cho nhóm văn chương Hồn Việt.''

Nhà thơ, nhà phê bình, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh Lê Quang Trang cũng bày tỏ nỗi lòng trong sổ tang: ''Vô cùng thương tiếc nhà văn Nguyễn Quang Sáng, vị Chủ tịch mẫu mực với nhiều đóng góp to lớn cho Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh; nhà văn tài năng và cây đại thụ của nhiều thế hệ cầm bút thành phố, người có nhiều đóng góp to lớn cho văn học thành phố và đất nước.''

Hòa cùng dòng người đến viếng và tiễn đưa nhà văn lần cuối, một độc giả trẻ tên Bảo Trân, ngụ tại quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Dù chỉ biết nhà văn qua những tác phẩm văn học và chưa một lần được gặp mặt, nhưng khi nghe tin ông mất, tôi vẫn cảm thấy đó là một sự thiếu vắng rất lớn."

Ngay trong buổi sáng 14/2, đông đảo giới văn nghệ sỹ thành phố đã đến thắp nén hương và chia sẻ những cảm xúc qua cuốn sổ tang tại nhà tang lễ. Nhiều người đã không nén được xúc động thương nhớ nhà văn quá cố. Ca sỹ Mỹ Lệ chia sẻ: ''Vậy là bố đã ra đi về cõi vĩnh hằng, bố lại gặp những người bạn thân yêu của bố: Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, Bảo Phúc, Từ Huy… Con vẫn nhớ hoài giọng cười, giọng nói của bố: 'Mày hát tao nghe bài Đàn chim Việt, tao thích mày hát bài hát đó lắm đó con.' Cảm ơn ông già Nam Bộ của lòng con. Mãi yêu bố! Mong bố bình yên trong lòng đất mẹ.''

Lễ động quan và hỏa táng nhà văn quá cố Nguyễn Quang Sáng sẽ diễn ra vào ngày 16/2, tại nghĩa trang Đa Phước, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục