GMS 6: Việt Nam đề xuất bỏ phí roaming, cùng xử lý vấn đề an ninh mạng

Việt Nam đề xuất, các quốc gia thành viên GMS cùng nghiên cứu triển khai chương trình kết nối cáp quang siêu tốc, dỡ bỏ phí roaming điện thoại để tạo nền tảng kết nối giữa các bên.
GMS 6: Việt Nam đề xuất bỏ phí roaming, cùng xử lý vấn đề an ninh mạng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc hoanh nghênh ý tưởng lập mạng lưới doanh nghiệp trẻ GMS của đại diện Campuchia. Ngoài ra, ông cũng đề xuất, các quốc gia thành viên GMS cùng nghiên cứu triển khai chương trình kết nối cáp quang siêu tốc, dỡ bỏ phí roaming điện thoại để tạo nền tàng kết nối giữa các bên.

Ý kiến của ông Lộc được nêu tại “Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS” trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong Mở rộng (GMS) lần thứ 6 diễn ra ngày 30/3 tại Hà Nội.

Thách thức thời 4.0

Nhìn lại hơn 25 năm từ khi chương trình GMS được khởi động tới nay, ông Vũ Tiến Lộc đánh giá, đây là khoảng thời gian các quốc gia đã cùng chứng kiến những nỗ lực cải cách và kỳ tích về phát triển.

Với ông, kỳ tích quan trọng nhất là quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ, gắn liền với những thành công trong xóa đói giảm nghèo và sự phát triển bùng nổ của khu vực kinh tế tư nhân.

[Khai mạc Phiên họp mở rộng Hội đồng Kinh doanh GMS tại Hà Nội]

Dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng ông Lộc cho rằng, GMS vẫn đang là vùng trũng của sự phát triển trong tương quan so sánh với ASEAN, châu Á và thế giới. Điều này xét cả trên bình diện GDP/đầu người, kết cấu hạ tầng, khả năng công nghệ, tài chính và chất lượng nguồn nhân lực,..

Ông cho rằng, thách thức lớn nhất của các nền kinh tế GMS là chất lượng thể chế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp với yêu cầu phải vươn tới chuẩn mực quốc tế và kết nối vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nói kỹ hơn về những thách thức, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn nhân lực phải thực sự nhạy bén để tiếp cận, khai thác và đưa vào ứng dụng những thành tựu công nghệ mới.

“Bên cạnh đó, chúng ta đang đứng trước thách thức lớn không tránh khỏi là những biến động về môi trường, khí hậu, nguồn tài nguyên thiên nhiên,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh về vấn đề con người. Theo ông, nhiều vấn đề như giáo dục, thể trạng, y tế đã tác động trực tiếp đến chất lượng nguồn lực.

“Với những thách thức như vậy, chúng ta phải hết sức quyết tâm và nỗ lực để cùng nhau khắc phục, khai thác những lợi thế phát triển để bù đắp cho những hạn chế còn tồn tại,” Bộ trưởng nói.

Góp thêm ý kiến, ông Souphanh Keomixay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào lại cho rằng, thách thức với các nền kinh tế GMS là hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng phải đáp ứng được điều kiện mới, tiêu chuẩn mới để hỗ trợ kết nối khu vực.

Nói riêng về Lào, ông thừa nhận, nhiều tuyến đường của Lào hiện chưa đáp ứng được tiêu chuẩn nên nước này đang phải nỗ lực huy động nguồn lực để thực hiện thêm các dự án.

Đề xuất lập hệ thống cáp quang siêu tốc

Cũng nói về cơ sở hạ tầng, ông Akhom Termpittayapaisith, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Thái Lan cũng đồng tình với quan điểm, đây là vấn đề quan trọng thời gian tới giữa các nước. Theo ông, các nước cần có cổng giao thông xuyên biên giới. Ông nhấn mạnh, mỗi nước phải rà soát, sắp xếp các dự án của riêng mình một cách hài hòa với mục tiêu chung của GMS.

Với Thái Lan, ông khẳng định, kế hoạch 20 năm của nước này cũng có lồng ghép với mục tiêu chung với các nước. “Các nước phải có lộ trình, giảm thiểu quy định của từng quôc gia để hợp tác khu vực một cách hài hòa hơn,” vị đại diện của Thái Lan lên tiếng.

Cũng chính ông nêu lên ý kiến rằng, các nước cần hợp tác với nhau để xây dựng các ngành công nghiệp mới. Điều này theo ông không có nghĩa là bỏ quên một trong những thế mạnh của các nước là nông nghiêp. Theo ông, các nước GMS phải tiến tới mức độ cao hơn trong chuỗi giá trị, tức là phải kết nối với các ngành công nghiệp của 6 nước.

Ý kiến cũng được ông đề xuất là đơn giản hóa thủ tục xuyên quốc gia. Ông bày tỏ mong muốn các quốc gia cùng bắt tay để đơn giản hóa các thủ tục của từng quôc gia để các nước hợp tác với nhau dễ dàng hơn.

Ở hướng khác, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào Oudet Souvannavong đề xuất, các nước cần có kế hoạch hợp tác kinh tế mới để giảm các hàng rào thương mại, đẩy mạnh hơn cạnh tranh trong khu vực, tự do hóa thương mại.

Về phía Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng nêu lên ý tưởng triển khai chương trình kết nối hệ thống cáp quang siêu tốc, dỡ bỏ phí roaming điện thoại và thành lập hiệp hội hợp tác xử lý các vấn đề về an ninh mạng giữa các quốc gia GMS.

“Sáng kiến này nếu được thực hiện, sẽ tạo một nền tảng kết nối để có thể đi tắt, đón đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế GMS,” ông Lộc nói.

Ông cũng hoan nghênh ý tưởng trước đó của Campuchia là thành lập mạng lưới doanh nghiệp trẻ GMS. Đặc biệt, vị đại diện VCCI Việt Nam nêu đề xuất thành lập mạng lưới doanh nhân nữ GMS và mạng lưới khởi nghiệp GMS./.

Chương trình Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) được khởi xướng năm 1992 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Các nước thành viên của GMS gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc (với 2 tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây) và Việt Nam.

Tiểu vùng Mekong mở rộng là một khu vực được gắn kết với nhau bởi dòng sông Mekong, có diện tích 2,6 triệu km vuông và dân số là khoảng 340 triệu người. Hợp tác GMS được đánh giá là cơ chế hợp tác có hiệu quả hàng đầu trong các cơ chế hợp tác tại tiểu vùng Mekong.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục