Gỡ bài toán khó phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

bhxh29-1602216930-41.jpg

Đại dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, người lao động mất việc. Thu nhập người dân giảm nên nhiều người không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… dẫn đến số người tham gia và số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giảm trong khi số nợ các loại bảo hiểm lại tăng lên. Các chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội của Chính phủ giao sẽ khó đạt được nếu không có nhiều biện pháp quyết liệt.

Số người tham gia bảo hiểm xã hội giảm mạnh vì COVID-19

Tình hình dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến nhiều doanh nghiệp tại Bình Thuận, điều này thể hiện rất rõ trong việc điều chỉnh tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp. Theo thống kê, từ ngày 1/3 đến hết tháng 6, toàn tỉnh Bình Thuận có 748 doanh nghiệp (chiếm tới 47,5% trong tổng số doanh nghiệp) đã điều chỉnh giảm tham gia bảo hiểm y tế cho 12.242 người lao động; có 6.154 người lao động thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hơn 6.000 người lao động nghỉ việc không hưởng lương, hơn 7.000 người lao động chốt bảo lưu sổ bảo hiểm xã hội.

Ông Phạm Xuân Toan, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Thuận cho biết, những doanh nghiệp điều chỉnh tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chủ yếu thuộc lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, gia công giày dép, may mặc… Việc điều chỉnh này đã tác động không nhỏ tới công tác phát triển lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Theo ông Toan, để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, bên cạnh thực hiện đầy đủ quy trình thu nợ do bảo hiểm xã hội Việt Nam đề ra, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh thường xuyên đồng hành cùng doanh nghiệp để tổ chức đôn đốc thu nợ, hạn chế đến mức thấp nhất các đơn vị có số nợ lớn và kéo dài, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Những doanh nghiệp điều chỉnh tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chủ yếu thuộc lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, gia công giày dép, may mặc…

Bình Thuận không phải là địa phương duy nhất gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu của ngành bảo hiểm xã hội. Theo báo cáo của bảo hiểm xã hội Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động, không có việc làm phải nghỉ việc. Các hoạt động tuyên truyền, vận động người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình và công tác thanh tra, kiểm tra cũng phải hạn chế.

Nhiều người lao động đã phải ngừng tham gia bảo hiểm xã hội vì gặp khó khăn do COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhiều người lao động đã phải ngừng tham gia bảo hiểm xã hội vì gặp khó khăn do COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thu nhập người dân giảm nên nhiều người không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình… dẫn đến số người tham gia và số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giảm trong khi đó số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lại tăng lên.

Tính đến hết ngày 31/8, cả nước có trên 15,3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (đạt 31,2% lực lượng lao động trong độ tuổi); trên 12,8 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (đạt 26% lực lượng lao động trong độ tuổi); trên 86,4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (đạt tỷ lệ bao phủ 89,2% dân số). So với cuối năm 2019, mặc dù số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế có tăng trưởng dương, nhưng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp lại giảm mạnh.

Số thu bảo hiểm xã hội dù có tăng về số tuyệt đối nhưng tỷ lệ so với kế hoạch cả năm lại thấp hơn cùng kỳ (hết tháng 8/2019, số thu toàn ngành đạt 63,6% kế hoạch năm). Bên cạnh đó, số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế khoảng 21.408 tỷ đồng (bằng 5,3% số phải thu và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2019).

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tính đến tháng 9, cả nước đã có 954 đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19 được phê duyệt hồ sơ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, tương ứng với 79.522 người lao động và ước số tiền khoảng 326 tỷ đồng.

Theo tính toán của bảo hiểm xã hội Việt Nam, để đạt được chỉ tiêu Chính phủ giao, trong những tháng cuối năm nay, ngành bảo hiểm xã hội cần phải phát triển thêm trên 1,893 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội; trên 1,493 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Riêng với bảo hiểm y tế, để đạt tỷ lệ bao phủ 90,7% dân số theo kế hoạch, cũng cần thu hút thêm trên 1,6 triệu người tham gia. Những mục tiêu này đòi hỏi cần phải có sự tập trung, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Tháo gỡ khó khăn, đảm bảo quyền lợi cho người dân

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ, ngành bảo hiểm xã hội vẫn đảm bảo kịp thời, đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng như các chỉ đạo của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Bảo hiểm xã hội Việt Nam và bảo hiểm xã hội các địa phương đã nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia.

Trong những tháng cuối năm nay, ngành bảo hiểm xã hội cần phải phát triển thêm trên 1,893 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội; trên 1,493 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. 

Trong 8 tháng, cả nước đã chi hưởng bảo hiểm xã hội 151.757 tỷ đồng; chi bảo hiểm thất nghiệp 1.728 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2019, tuy số người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản giảm, nhưng số người được giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng, bảo hiểm xã hội một lần và bảo hiểm thất nghiệp đều tăng. Tương ứng là số chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng so với cùng kỳ năm 2019, đặt biệt là số chi bảo hiểm thất nghiệp tăng mạnh lên tới 106%.

Bảo hiểm xã hội đẩy mạnh tuyên truyền để thực hiện mục tiêu phát triển đối tượng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bảo hiểm xã hội đẩy mạnh tuyên truyền để thực hiện mục tiêu phát triển đối tượng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đẩy mạnh tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp, người dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tính đến nay, bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp 15 dịch vụ công; đã tiếp nhận gần 3.500 hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có một số dịch vụ có tần suất thực hiện lớn.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong những tháng cuối năm 2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tập trung vào việc đảm bảo phát triển đối tượng, tăng thu, giảm nợ bảo hiểm xã hội… đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia các chính sách an sinh xã hội quan trọng này.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh yêu cầu các đơn vị rà soát, đưa ra chỉ tiêu, kế hoạch sát với thực tế và nhiệm vụ mà ngành bảo hiểm xã hội được giao, làm động lực cho bảo hiểm xã hội các địa phương phấn đấu. Đặc biệt, công tác tuyên truyền phải đảm bảo phù hợp với từng thời điểm, từng giai đoạn và từng nhóm đối tượng…

Bảo hiểm xã hội các địa phương kiên quyết thực hiện các giải pháp giảm nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các đơn vị cố tình chây ỳ, trốn đóng… thông qua đẩy mạnh hoạt động thanh tra đột xuất. 

Đánh giá tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến doanh nghiệp sẽ khiến mục tiêu phát triển bảo hiểm xã hội bắt buộc tương đối khó khăn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu cho rằng: “Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn có nhiều điều kiện để đảm bảo số thu trong năm 2020. Vì vậy, bảo hiểm xã hội các địa phương cần kiên quyết thực hiện các giải pháp giảm nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các đơn vị cố tình chây ỳ, trốn đóng bảo hiểm xã hội thông qua đẩy mạnh hoạt động thanh tra đột xuất. Bên cạnh đó, cần phát huy cao nhất quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội trong hoạt động này.”

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh hoạt động phát triển đối tượng, tuyên truyền chính sách cần có các giải pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Đồng thời, thực hiện tốt công tác chi trả, các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và triển khai hiệu quả hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp…

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thu, ông Mạnh yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ và bảo hiểm xã hội các địa phương cần bám sát dự toán thu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, trong đó có cơ quan thuế để rà soát các nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng cường thanh tra đột xuất các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm; kiên quyết thu hồi nợ tại các đơn vị chây ỳ./.

Cán bộ bảo hiểm xã hội tuyên truyền về chính sách bảo hiểm tự nguyện cho người dân. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cán bộ bảo hiểm xã hội tuyên truyền về chính sách bảo hiểm tự nguyện cho người dân. (Ảnh: PV/Vietnam+)