Gỡ “điểm nghẽn" trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) trả lời phỏng vấn TTXVN về kết quả cải cách thủ tục hành chính trong năm 2014.
Gỡ “điểm nghẽn" trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Thời gian xử lý thông quan trung bình đối với hàng luồng xanh không quá 3 giây, cắt giảm 290 giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế, tiết kiệm hơn 1.241 tỷ đồng/năm chi phí tuân thủ thủ tục cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; những cải cách trong lĩnh vực hải quan hay những bước đi tiến tới cắt giảm 54% thời gian thực hiện thủ tục thuế đã khiến bức tranh cải cách thủ tục hành chính năm 2014 có những chuyển động rõ nét.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan đã dành cho phóng viên Thông tấn xã Việt Nam cuộc trao đổi về những kết quả trên lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính năm 2014 và định hướng năm 2015.

- Một năm sắp qua đi, ông đánh giá thế nào về kết quả cải cách thủ tục hành chính năm 2014 và có dự định gì cho công tác cải cách thủ tục hành chính năm 2015?

Cục trưởng Ngô Hải Phan: Nhìn lại kết quả cải cách thủ tục hành chính năm 2014 cho thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, đẩy mạnh quá trình cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện dễ dàng cho doanh nghiệp và nhân dân khi tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hành chính công.

Các Bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động trong thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục nhận được sự ủng hộ, tham gia của người dân và doanh nghiệp.

Do đó, ở nhiều lĩnh vực, cải cách thủ tục hành chính đã thu được kết quả đáng ghi nhận. Chẳng hạn, ở lĩnh vực thuế, kết quả đạt được trong cải cách thủ tục hành chính thời gian qua là doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn tự in; giảm tần suất kê khai thuế từ tháng thành quý; kê khai thuế qua mạng…

Trong lĩnh vực hải quan, việc thực hiện hải quan điện tử trên phạm vi toàn quốc; chính thức vận hành hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã giảm thời gian tiếp nhận và đăng ký tờ khai chỉ còn 3 giây.

Đối với lĩnh vực đầu tư, đất đai xây dựng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 06/6/2014 về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Theo Nghị quyết 43, đối với dự án phải thực hiện quy trình phức tạp nhất sẽ giảm 12/33 thủ tục và cùng với việc thực hiện liên thông hay cho phép thực hiện song song, đồng thời giúp giảm bớt thời gian thực hiện thủ tục hành chính từ 155-865 ngày làm việc xuống còn khoảng 80-385 ngày làm việc (cắt giảm từ 75 - 480 ngày làm việc) tương ứng tiết kiệm khoảng hơn 1.241 tỷ đồng/năm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho nhà đầu tư; nguồn kinh phí tiết kiệm này có thể được sử dụng để tái đầu tư phát triển kinh tế, xã hội.

Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về chủ trương “Đề án Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền” và đang xem xét phê duyệt “Đề án liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế” sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho cả người dân và cơ quan quản lý nhà nước, cắt giảm gánh nặng chi phí, thời gian thực hiện thủ tục hành chính; tăng cường kỷ cương hành chính, hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế nhất định. Việc chỉ đạo công tác cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính của một số Bộ, ngành, địa phương chưa sâu sát.

Công tác công bố, công khai thủ tục hành chính có lúc, có nơi còn chậm, chưa kịp thời, đầy đủ; thủ tục được công bố, công khai trong phạm vi ngành, lĩnh vực của cùng cấp địa phương giải quyết không đồng nhất về số lượng và nội dung dẫn đến tính thống nhất trong thực hiện thủ tục hành chính bị phá vỡ, khó kiểm soát.

Còn nhiều thủ tục hành chính, quy định liên quan ở các lĩnh vực khác như: an sinh xã hội, nông nghiệp, nông thôn, công chức, viên chức... đặc biệt là xét tổng thể nhóm thủ tục hành chính liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực trong giải quyết một công việc cụ thể cho cá nhân, tổ chức còn rườm rà, phức tạp, gây nhiều bức xúc, là rào cản đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Đó là những “điểm nghẽn" trong quy định và thực hiện thủ tục hành chính cần phải được gỡ bỏ. Do đó, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015 với 13 nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan và 2 nhóm nhiệm vụ thực hiện thủ tục hành chính giao cho các Bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, đơn giản hóa.

- Ông có thể cho biết, cơ sở nào để lựa chọn 13 nhóm quy định, thủ tục hành chính này? Cụ thể đó là những nhóm nào?

Cục trưởng Ngô Hải Phan: Căn cứ vào các quy định của Chính phủ, trên cơ sở tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về quy định hành chính, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính về các ngành, lĩnh vực nêu trên, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ lựa chọn 13 nhóm thủ tục hành chính này.

Đó là nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến xuất khẩu thủy sản; sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên cạn, sản phẩm vật tư nông nghiệp mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khi sản xuất hoặc nhập khẩu để khảo nghiệm, thử nghiệm, phân tích đến khi công nhận; hoạt động của các cơ sở in; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; khám, chữa bệnh cho người dân; tuyển sinh, đào tạo đại học và sau đại học; ưu đãi về giáo dục đối với người có công với cách mạng và con của họ đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; quản lý biên giới trong xuất cảnh, nhập cảnh tại cửa khẩu cảng biển và cửa khẩu biên giới đất liền; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an; tuyển dụng, nâng ngạch đối với công chức; tuyển dụng, nâng ngạch, bổ nhiệm, đề bạt đối với viên chức; lý lịch tư pháp; yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực.

Theo tôi, việc thực hiện tốt Kế hoạch này năm 2015 cùng với những ngành, lĩnh vực mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải cải cách mạnh mẽ trong năm 2014 không những cải thiện một bước môi trường kinh doanh, đạt tiêu chí của nhóm nước ASEAN-6 mà còn củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào quá trình xây dựng nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả mang lợi ích và thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

- Ông nghĩ những rào cản nào sẽ gặp phải khi thực hiện rà soát 13 nhóm thủ tục trên?

Cục trưởng Ngô Hải Phan: Đây là những nhóm thủ tục hành chính được đặt theo chuỗi vấn đề, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Ví dụ như nhóm về xuất khẩu thủy sản sẽ được “ xem xét ” từ giai đoạn nuôi trồng, khai thác, nhập khẩu nguyên liệu, chế biến đến xuất khẩu. Chuỗi quy trình như vậy liên quan đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính (về thuế, phí, lệ phí và hải quan); Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề môi trường,… nên rất cần sự phối hợp tích cực trong tổ chức nghiên cứu, đề xuất phương án đơn giản hóa giữa các bộ, ngành có liên quan.

Để bảo đảm việc triển khai Kế hoạch có hiệu quả, ngoài việc xác định rõ ràng, cụ thể mục tiêu, sản phẩm, trách nhiệm, tiến độ là cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương căn cứ tổ chức triển khai thực hiện, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã quy định việc thành lập Tổ công tác thực hiện Kế hoạch để tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, các cơ quan chuyên môn trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, trong đó vai trò điều tiết chung của bộ chủ trì là quan trọng để đảm bảo tính kết nối, thống nhất, hiệu quả. Đồng thời, gắn kết với việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.

Mặt khác, việc cải cách thủ tục hành chính là việc khó khăn, phức tạp, đụng chạm đến lợi ích cục bộ của một bộ phận cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị nên rất cần sự quyết tâm lớn trong chỉ đạo triển khai thực hiện để tránh thực hiện hình thức, theo phong trào.

Hơn nữa, mục tiêu của Kế hoạch có tính định lượng đảm bảo tính cụ thể, có thể đo lường được nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, cũng như đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch.

- Kế hoạch có đưa ra mục tiêu cắt giảm tối thiểu 25% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính đối với từng nhóm. Liệu có khả thi không thưa ông?

Cục trưởng Ngô Hải Phan: Mục tiêu này hoàn toàn khả thi vì xuất phát từ thực trạng xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện thủ tục hành chính ở Việt Nam, cũng như kinh nghiệm triển khai Đề án 30, kinh nghiệm quốc tế và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP với yêu cầu giai đoạn 2011-2015 “mỗi năm đều có tỷ lệ giảm chi phí mà cá nhân, tổ chức phải bỏ ra khi giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước.”

Chúng tôi đưa ra mục tiêu này căn cứ trên thực trạng vướng mắc, bất cập của các quy định, thực hiện thủ tục hành chính và khả năng cải cách của các nhóm thủ tục hành chính tại Kế hoạch. Ví dụ chúng ta cải cách để giảm thời gian, chi phí thực hiện nhóm thủ tục xuất khẩu thủy sản từ giai đoạn nuôi trồng, khai thác, nhập khẩu nguyên liệu, chế biến đến khi xuất khẩu bằng mức trung bình của ASEAN-6, có nghĩa là giảm từ 21 ngày hiện nay xuống 14 ngày sẽ cắt giảm được 7 ngày, tương ứng tỷ lệ cắt giảm 33,3%.

Hoặc đối với nhóm thủ tục liên quan đến thi tuyển công chức, nếu chỉ cần thay đổi phương thức thực hiện bằng cách người dự thi không cần nộp đầy đủ hồ sơ ngay khi đăng ký thi mà có thể chỉ nộp đơn, tự chịu trách nhiệm về tính chính xác về những thông tin trong sơ yếu lý lịch và yêu cầu những người thuộc diện trúng tuyển nộp đầy đủ hồ sơ để kiểm tra làm cơ sở ban hành Quyết định tuyển dụng thì đã cắt giảm được một lượng rất lớn chi phí thực hiện của xã hội.

Trước khi tiến hành xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính ở các ngành, lĩnh vực đã nêu trên; tìm hiểu thực tế việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; tổng hợp các ý kiến của các nhân, tổ chức về những vướng mắc, khó khăn của việc thực hiện các thủ tục hành chính.

Bộ cũng tổ chức 3 Hội thảo tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh để lấy ý kiến các chuyên gia quản lý, nhà khoa học, cá nhân, tổ chức và đối tượng tuân thủ có liên quan đến các lĩnh vực dự kiến đưa vào Kế hoạch đơn giản hóa và gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và một số cơ quan, tổ chức liên quan về dự thảo Quyết định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục