Gỡ khó bài toán “hụt” thu ngân sách Thủ đô 2013

Năm 2013, thu ngân sách của Hà Nội được dự báo là khó khăn nhất và chắc chắn sẽ không đạt được chỉ tiêu đặt ra, thậm chí ở mức thấp.
Vài năm gần đây, kinh tế cả nước, cũng như Thủ đô nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, năm 2013 Hà Nội phải “gánh” hệ lụy tồn dư của những năm trước, và dường như không có bàn đạp để tăng tốc, nên có thể nói đây là năm khó khăn gần mức “chạm đáy,” trong đó, thu ngân sách được dự báo là khó khăn nhất và chắc chắn sẽ không đạt được chỉ tiêu đặt ra, thậm chí ở mức thấp.

Thu không đạt

Mặc dù kinh tế Thủ đô vẫn duy trì tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng 7,76%. Tuy nhiên, lĩnh vực thu ngân sách cả năm dự báo không đạt chỉ tiêu, chủ yếu do nhiều nguyên nhân khách quan mang lại. Thành phố đề ra các giải pháp mạnh để cứu doanh nghiệp, vực dậy thị trường, ổn định an sinh xã hội cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến các khoản thu vào ngân sách.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2013 ước đạt trên 120.600 tỷ đồng, đạt 74,7% dự toán Hội đồng Nhân dân thành phố giao. Nếu tính cả khoản thu trên 16.000 tỷ đồng dự kiến Chính phủ, Bộ Tài chính xử lý thu cho thành phố Hà Nội thì thu năm nay ước đạt gần 137.000 tỷ đồng, đạt 84,7% so với dự toán.

Tám tháng đầu năm 2013, tổng thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội đạt gần 80.000 tỷ đồng, đạt 49,5% dự toán; trong đó thu từ xuất nhập khẩu trên 7.000 tỷ đồng; dầu thô 7.380 tỷ đồng; thu nội địa 65.578 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thành phố thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn một số khoản thu, làm giảm thu ngân sách năm nay khoảng gần 8.000 tỷ đồng, trong đó giảm thu trên 3.700 tỷ đồng và chuyển sang thu năm sau là 4.190 tỷ đồng. Ngoài ra, dự toán thu do Chính phủ giao cho Hà Nội cao so với khả năng thực tế; dự toán thu nội địa tăng trên 30% so với thực hiện năm ngoái.

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn Hà Nội có 6.538 doanh nghiệp ngừng hoạt động, số nợ các khoản thu tăng so với năm ngoái. Cơ cấu thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước trung ương chiếm trên 42% thu nội địa nhưng lại phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế của các tập đoàn lớn.

Nhiều giải pháp mạnh

Trước tình hình khó khăn trên, Hà Nội đã tích cực chỉ đạo và có nhiều giải pháp, biện pháp mạnh và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm đến hết năm. Thành phố và các quận, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo điều hành thu chi ngân sách và Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách và thu hồi nợ đọng thuế.

Các Ban chỉ đạo này thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn, rà soát các nhiệm vụ, kịp thời triển khai các giải pháp cân đối thu chi ngân sách. Chỉ đạo các địa phương, các ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, để tạo thêm các nguồn thu vững chắc.

Thành phố coi trọng việc điều hành chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả và chặt chẽ; chỉ đạo các cấp thực hiện nghiêm nguyên tắc đảm bảo cân đối ngân sách và trong giới hạn dự toán thông qua. Đặc biệt, các đơn vị thực hiện triệt để tiết kiệm, quản lý chặt chẽ việc sử dụng ngân sách dự phòng, chỉ sử dụng để phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các vấn đề cấp bách phát sinh.

Ngoài việc cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết; tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của dự toán ngân sách những tháng còn lại trong năm, thành phố cắt giảm chi, thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách cùng cấp đối với số kinh phí đã giao trong dự toán năm 2013 cho các đơn vị, nhưng đến giữa năm nay chưa phân bổ hoặc phân bổ không đúng quy định.

Hà Nội đang kiên quyết chỉ đạo các đơn vị, đối với chi thường xuyên, không bổ sung các đề án, chương trình, ban hành các chính sách mới hoặc nâng định mức làm tăng chi ngân sách nhà nước khi chưa xác định được nguồn đảm bảo. Đối với chi đầu tư, cần tháo gỡ khó khăn, đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương triển khai dự án; thực hiện điều chỉnh, điều hòa vốn đầu tư xây dựng cơ bản để cân đối đảm bảo kinh phí giải phóng mặt bằng; đồng thời rà soát điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn, đảm bảo khả năng cân đối vốn đầu tư từ ngân sách của kế hoạch trung hạn 3 năm (2013-2015) của thành phố. Đặc biệt, Hà Nội đang tập trung cao độ xử lý triệt để nợ đọng xây dựng cơ bản, hạn chế tối đa việc ứng trước vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các dự án.

Song song đó, các giải pháp để cân đối ngân sách các cấp, đối với thu hụt ngân sách, địa phương sẽ được thành phố thực hiện cân đối bằng cách như sử dụng nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng; tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm; sử dụng 50% dự phòng ngân sách thành phố năm 2013; kết dư ngân sách năm 2012 và 30% Quỹ giữ trữ tài chính.

Dựa trên tình hình thực tế năm nay, Hà Nội đang đặt mục tiêu cho năm 2014 thu gần 114.000 tỷ đồng, bằng 94,4% so với ước thực hiện năm 2013. Như vậy, nhìn vào những con số, mục tiêu của Hà Nội đặt ra có thể thấy, kinh tế năm nay và cả năm 2014 vẫn còn tiếp tục có nhiều khó khăn, gian nan. Vì vậy, Hà Nội cũng đang lên kế hoạch để đề nghị với Chính phủ và các bộ, ngành cần có nhiều giải pháp, chính sách giúp đỡ, hỗ trợ; kể cả đổi mới thông thoáng về mặt cơ chế, thủ tục hành chính, văn bản pháp quy để đưa kinh tế Thủ đô đi lên.

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá năm 2013 là một trong những năm khó khăn nhất trong ba năm gần đây, như lĩnh vực sản xuất, hỗ trợ vốn và tìm thị trường. Những tháng đầu năm, sức mua trong nước giảm, xuất khẩu cạnh tranh gay gắt, thị trường bất động sản vẫn ảm đạm, trong lúc các doanh nghiệp sản xuất chi phí cao, lãi suất vay vẫn cao, dẫn tới nợ xấu tăng cao, hàng tồn kho nhiều.

Trước bối cảnh trên, không những thành phố khó khăn trong phát triển sản xuất, mà còn phải hạn chế nhiều khoản thu vào ngân sách để “cứu” doanh nghiệp và thị trường. Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp, nhưng siết chặt chi tiêu, và kiểm soát nguồn thu đang hết sức được chú trọng./.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục