Gỡ nút giải phóng mặt bằng: Cần sự sòng phẳng

Việc không đảm bảo đúng cam kết về giao mặt bằng sạch khiến các địa phương thúc ép nhà đầu tư thực hiện đúng tiến độ cũng như không rút được giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án chậm trễ.

Theo phân tích của các chuyên gia về đầu tư thì sự sòng phẳng trong cuộc chơi giải phóng mặt bằng sẽ giải tỏa được nút thắt lớn trong quản lý dự án đầu tư hiện nay, đặc biệt là những thế khó của nhiều địa phương trong xử lý các dự án chậm triển khai, dự án “treo”.

Việc không đảm bảo đúng cam kết về giao mặt bằng sạch khiến các địa phương thúc ép nhà đầu tư thực hiện đúng tiến độ cũng như không rút được giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án chậm trễ.

Dự án khai thác khoáng sản có quy mô lớn nhất năm 2004 với tổng vốn đầu tư là 147 triệu USD của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn liên doanh khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (Núi pháo - VICA) đã có ý kiến chính thức của Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét, rút giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản sau khi Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên có văn bản báo cáo về tình trạng chậm trễ trong tiến độ triển khai.

Sự sòng phẳng cần thiết

Như vậy, sau 5 năm, dự án Núi Pháo Vica nổi tiếng một thời đã thất bại. Các nhà đầu tư gồm Công ty Tiberon Singapore (chiếm 70% vốn góp), Công ty xuất nhập khẩu và đầu tư Thái Nguyên (15%), Công ty xuất nhập khẩu Thái Nguyên - Batimex (15%) với nhiều nỗ lực tìm giải pháp, trong đó có cả các kiến nghị cho phép chậm lại tiến độ để thu xếp vốn, nhiều khả năng sẽ phải nhường lại vùng khoáng sản được đánh giá là trữ lượng rất lớn tại Núi Pháo cho các nhà đầu tư tiềm năng khác.

Ngay cả phần việc giải phóng mặt bằng và tái định cư cho trên 2.000 hộ dân (theo phương án bổ sung) đang triển khai ì ạch với khoảng trên 400 hộ dân được đền bù, một phần nguyên nhân mà nhà đầu tư cho là lý do chậm trễ của dự án, có thể sẽ phải sang tay cho các nhà đầu tư khác.

Ở một dự án khác, mặc dù phía Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã dồn nguồn lực và quyết tâm để triển khai giải phóng mặt bằng phần diện tích dự kiến trong vùng quy hoạch dành cho dự án với tổng số tiền bỏ ra lên tới trên 5 tỷ đồng, song nhà đầu tư của dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô với tổng đầu tư dự kiến khoảng 1,7 tỷ USD đành phải có đề nghị bỏ cuộc sau nhiều lần trễ hẹn với chính cam kết của mình.

Cũng phải nói rằng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã rất nỗ lực trong việc giải phóng mặt bằng ngay từ khi dự án này mới được ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Cho tới lúc nhà đầu tư xin rút khỏi dự án thì các thủ tục về cấp giấy chứng nhận đầu tư vẫn chưa được tiến hành xong.

Tuy nhiên, theo một quan chức của tỉnh Phú Yên, phần việc giải tỏa mặt bằng và xây dựng hạ tầng cho khu vực này vẫn đang được tiếp tục. “Chúng tôi xác định đây là phần việc mà địa phương phải làm để đảm bảo đúng quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư khu lọc hóa dầu tại Vũng Rô.

Chính vì vậy, tỉnh phải chấp nhận bỏ ra khoản tiền ngân sách địa phương khá lớn mà không thể yêu cầu nhà đầu tư đền bù”. Đổi lại, việc chủ động này sẽ đảm bảo địa phương thực hiện được cam kết giao đất sạch cho các nhà đầu tư. “Khi đó, các kế hoạch đầu tư của các nhà đầu tư mới của dự án có thể thực hiện được ngay”, vị quan chức này nói và cho biết, đã có một số nhà đầu tư đang quan tâm, nghiên cứu dự án này.

Có lẽ đó là một cách giải cho bài toán giải phóng mặt bằng trong việc triển khai các dự án, đặc biệt các dự án quy mô lớn hiện nay khi đa phần các dự án chậm trễ đều có nguyên do từ khâu này. Hơn thế, việc chính quyền địa phương thực hiện đúng cam kết của mình với nhà đầu tư cũng sẽ chính là áp lực buộc các nhà đầu tư khó có thể chần chừ trong việc thực hiện đúng lộ trình đã đăng ký trong giấy chứng nhận đầu tư.

Điều đáng nói, theo phân tích của các chuyên gia về đầu tư nước ngoài, thì sự sòng phẳng trong cuộc chơi này sẽ giải tỏa được nút thắt khá lớn trong quản lý dự án đầu tư hiện nay, đặc biệt là những thế khó của nhiều địa phương trong xử lý các dự án chậm triển khai, dự án “treo”...

Cơ chế hiệu quả lại thiếu cơ sở pháp lý

Cũng phải nói rằng, trong khảo sát của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về tình hình triển khai dự án đầu tư nước ngoài, việc nhiều địa phương không thực hiện đúng cam kết về tiến độ giao mặt bằng sạch chính là nguyên nhân khiến các địa phương khó thúc ép nhà đầu tư thực hiện theo đúng tiến độ cũng như không thực hiện được quy định pháp luật về rút giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án chậm trễ.

Song, nếu như các địa phương đứng ra lo toàn bộ phần giải phóng mặt bằng để có sẵn đất sạch cho nhà đầu tư, thì áp lực đối với ngân sách địa phương sẽ vô cùng lớn. Phần lớn các địa phương, nhất là các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, buộc phải đề nghị sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương. “Quả bóng” trách nhiệm trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong những trường hợp này lại được chuyền sang “chân” các cơ quan cấp trung ương.

Giải pháp đề nghị nhà đầu tư ứng trước tiền giải phóng mặt bằng và sẽ được địa phương hoàn trả bằng cách trừ vào tiền sử dụng đất mà nhà đầu tư nộp về sau được nhiều địa phương áp dụng hơn cả. Tuy nhiên, đáng tiếc là chưa có cơ sở pháp lý nào quy định về cơ chế này.

Theo một số quan chức tại các địa phương thuộc khu vực miền Trung, nơi đang nhận khá nhiều dự án bất động sản du lịch quy mô lớn, thì cách tốt nhất mà các địa phương đang làm là đề nghị nhà đầu tư có văn bản tự nguyện ứng trước cho địa phương, hoặc có thể tự nguyện góp vào quỹ giải phóng mặt bằng.

Và việc địa phương trừ lùi tiền sử dụng đất được vận dụng như một cam kết của chính quyền địa phương trong việc chấp thuận những đề nghị tự nguyện của nhà đầu tư. Tuy vậy, vận dụng chính sách có thể không phải là cách tốt nhất để giải tỏa nút thắt lớn trong hoạt động quản lý các dự án đầu tư nước ngoài./.
 Bài viết này được đăng theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục