Gỡ “nút thắt” giao thông, phát triển KT Tây Nguyên

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum với hệ thống giao thông vận tải đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng và góp phần tích cực vào việc vận chuyển hàng hóa, hành khách giao lưu giữa các vùng trong phạm vi cả nước và vận tải quốc tế.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hệ thống giao thông vận tải vùng này cần được ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ, trước hết là ưu tiên nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ, đường tỉnh huyết mạch làm tiền đề động lực cho phát triển kinh tế, xã hội của vùng và cả nước.
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum với hệ thống giao thông vận tải đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng và góp phần tích cực vào việc vận chuyển hàng hóa, hành khách giao lưu giữa các vùng trong phạm vi cả nước và vận tải quốc tế.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hệ thống giao thông vận tải vùng này cần được ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ, trước hết là ưu tiên nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ, đường tỉnh huyết mạch làm tiền đề động lực cho phát triển kinh tế, xã hội của vùng và cả nước.

Chưa được quy hoạch đồng bộ

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đến nay, hệ thống đường bộ của vùng Tây Nguyên có chiều dài khoảng 32.220km. Trong đó, đường quốc lộ có tổng chiều dài khoảng 2.100km, bao gồm hai trục dọc đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14 cũ), quốc lộ 14C.

Các tuyến đường ngang, gồm quốc lộ 19, 20, 24, 25, 26, 27, 28, 29 và 40. Phần lớn các tuyến đường này đều xuống cấp, nhiều đoạn hư hỏng nặng và rất nặng. Ngay quốc lộ 14 - đường Hồ Chí Minh, từ ranh giới tỉnh Quảng Nam, Kon Tum đến ranh giới tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, có độ dài khoảng 652,65 km cũng đã có nhiều đoạn đã hư hỏng nặng.

Hai tuyến đường quốc lộ 14C có độ dài khoảng 374,8km và quốc lộ 29 dài khoảng 68,27km phần lớn là cấp phối, số còn lại được rải nhựa nhưng cũng đã xuống cấp, khó khăn trong việc đi lại vào mùa mưa.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng có trên 30.120km đường giao thông nội vùng, trong đó đường tỉnh lộ có độ dài 2.030km, đường giao thông nông thôn dài 25.600km, đường đô thị 1.840 km và đường chuyên dùng có độ dài trên 650km.

Theo đánh giá của các đơn vị chức năng, các tỉnh Tây Nguyên mặt đường có chất lượng loại tốt chỉ mới đạt từ 16,8% đến hơn 40%, còn lại là mặt đường xấu và rất xấu là phổ biến.

Ngoài ra, các tỉnh Tây nguyên còn có đường Trường Sơn Đông, dài trên 670km và có 3 cảng hàng không đang hoạt động, đó là Sân bay Liên Khương (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Pleiku (Gia Lai).

Mặc dù Tây Nguyên được xác định là vùng kinh tế động lực của cả nước, nhưng đến nay vẫn chưa có quy hoạch phát triển giao thông vận tải riêng cho vùng này.

Hiện tại, mỗi tỉnh có một quy hoạch giao thông riêng nhưng chưa đồng bộ, thời gian quy hoạch còn ngắn hạn, chưa có sự kết nối đồng bộ trong vùng cũng như liên vùng.

Thực tế, các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư cho công tác quy hoạch giao thông vận tải của từng địa phương còn ít, sự phân công, phân cấp quản lý quy hoạch chưa hợp lý. Vốn đầu tư còn quá nhiều hạn chế không đáp ứng được nhu cầu, vốn huy động từ các nguồn khác gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, việc phát triển mạng lưới giao thông đường bộ trong vùng chưa được đồng bộ với mạng đường bộ ASEAN, trong vùng chưa có đường cao tốc, hệ thống quốc lộ có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, chủ yếu đạt tiêu chuẩn cấp IV, III, với 2 làn xe.

Theo đánh giá của các đơn vị chức năng, chất lượng hệ thống đường bộ thấp, xuống cấp nhanh, không có tuyến đường nào hoàn chỉnh, đi lại khó khăn. Khi thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ, nhiều dự án, gói thầu đầu tư xây dựng đường bị ảnh hưởng, phải giãn tiến độ, thi công cầm chừng, thậm chí có dự án ngừng thi công đã làm ảnh hưởng tới khá nhiều trong việc phát triển kinh tế, xã hội của vùng Tây Nguyên.

Tạo động lực để đưa kinh tế Tây Nguyên phát triển

Để gỡ nút thắt về giao thông, góp phần tạo động lực để đưa kinh tế Tây Nguyên phát triển, từ nay đến năm 2016, Tây Nguyên hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) đoạn qua Tây Nguyên, Bình Phước có độ dài trên 663km. Đây là tuyến trục dọc chính số 1 để kết nối các hệ thống các tuyến đường ngang, đường hành lang Đông-Tây với khu vực miền Trung, Đông Nam bộ.

Giai đoạn 1 đã hoàn thành 110km từ Đắk Giôn-Tân Cảnh, tỉnh Kon Tum. Giai đoạn 2 đã và đang triển khai đầu tư 553km từ Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) đến Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2013, Bộ Giao thông vận tải cùng các tỉnh Tây Nguyên đã khởi công hàng loạt dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh bằng các hình thức BOT và trái phiếu Chính phủ.

Mới đây, tại xã Cư Né, huyện Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk), Bộ Giao thông vận tải cùng với lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đã làm lễ khởi công nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) đoạn qua hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông tổng chiều dài trên 120,16km sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 4.079 tỷ đồng.

Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật của các tuyến đường này được thiết kế theo 2 dạng: đường ngoài đô thị và đi qua đô thị. Cụ thể, đường ngoài đô thị có quy mô cấp III đồng bào, 2 làn xe, tốc độ 80km/h. Đường qua đô thị có quy mô đường phố chính đô thị thứ yếu, tốc độ 60 km/h, cùng với hệ thống thóat nước, nút giao thông dân sinh, cây xanh, điện chiếu sáng…

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, do tính chất quan trọng và ý nghĩa huyết mạch của tuyến đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) đi qua khu vực Tây Nguyên nên Chính phủ đã cho phép huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước để đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường này.

Tuy nhiên, để sớm hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường, Chính phủ đã đồng ý bổ sung đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Các dự án còn lại tuyến đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) cũng được các nhà thầu gấp rút chuẩn bị khởi công xây dựng.

Giai đoạn tiếp theo đến năm 2020, toàn bộ quốc lộ và hầu hết đường tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên đều vào cấp kỹ thuật, mở rộng và đầu tư xây dựng các quốc lộ, đường tỉnh huyết mạch, có nhu cầu vận tải lớn, nâng cấp các trục dọc, trục ngang nối khu vực duyên hải Nam Trung bộ với Tây Nguyên, nối tới các cửa khẩu quan trọng; xây dựng trạm dừng nghỉ dọc tuyến phục vụ hành khách và du lịch.

100% xã của các tỉnh Tây Nguyên đều có đường ô tô đến trung tâm, trong đó, tối thiểu 70% đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Đường huyện đạt tối thiểu cấp V, đường xã tối thiểu đạt cấp VI, 50% đường thôn, xóm được cứng hóa, đạt loại A trở lên, tối thiểu 50% trục chính nội đồng được cứng hóa…

Đối với hàng không, nghiên cứu mở các tuyến bay quốc tế thẳng đến sân bay Liên Khương (Lâm Đồng), nghiên cứu để có kế hoạch xây dựng sân bay Kon Tum vào thời gian thích hợp…

Ngoài ra, để khuyến khích đầu tư theo hình thức BOT, BT…cho kết cấu hạ tầng giao thông Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên đã kiến nghị Chính phủ cần sớm có cơ chế đặc thù như có lãi vay ưu đãi, bảo lãnh vay ngân hàng trong, ngoài nước, tỷ lệ tham gia vốn của Nhà nước lớn hơn 49% tổng vốn đầu tư so với quy định của Nhà nước.

Cùng với có cơ chế ưu đãi đối với các nhà đầu tư bằng hình BOT được thực hiện như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ công trình, hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư nhận “đất sạch” để thi công công trình, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhằm tạo ra hệ thống giao thông ở Tây Nguyên phát triển bền vững đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn và cả nước./.

Quang Huy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục