Gỡ vướng mắc về hỗ trợ giảm nghèo bền vững

Vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững với 62 huyện nghèo được giải đáp tại buổi đối thoại.
Sáng 23/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Báo Điện tử Tuổi trẻ (TuoitreOnline) tổ chức buổi đối thoại trực tuyến với chủ đề “Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo - Vướng mắc cần tháo gỡ.”

Tham gia đối thoại trực tuyến có Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Bá Trình; Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô; Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương VietinBank Nguyễn Văn Du; Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Văn Lý; Phó Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Nguyễn Minh Tiến cùng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số tổng công ty, tập đoàn kinh tế.

Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ban hành ngày 27/12/2008 là một quyết sách quan trọng của Chính phủ nhằm giúp 62 huyện nghèo nhất nước sớm thoát nghèo, từng bước vươn lên phát triển bền vững. Sau hơn 9 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, một số kết quả bước đầu quan trọng đã đạt được.

Tuy nhiên, so với mục tiêu và yêu cầu đề ra, những vấn đề bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện cần được các cấp, các ngành khẩn trương vào cuộc tháo gỡ để Nghị quyết phát huy tác dụng, hiệu quả trong cuộc sống.

Trong 2 giờ đối thoại, nhiều câu hỏi đã được gửi tới, xoay quanh nội dung chính là những vướng mắc về chính sách cần được tháo gỡ qua quá trình thực hiện Nghị quyết; đề xuất, kiến nghị huy động các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện mục tiêu giảm nghèo của Đảng, Nhà nước.

Bạn đọc cả nước ghi nhận việc triển khai Nghị quyết đã tạo được phong trào rộng khắp ở các khu vực, vùng miền trên cả nước. Các địa phương, các tập đoàn kinh tế quyết liệt bắt tay vào rà soát các hộ nghèo, lập kế hoạch xóa nghèo, phát triển kinh tế-xã hội cụ thể cho mỗi địa phương, tạo nên khí thế sôi nổi xóa nghèo.

Tuy vậy, qua những vướng mắc nêu lên, có thể thấy nhiều người dân vẫn chưa thực sự nắm rõ những nội dung của Nghị quyết như: tiêu chí xác định hộ nghèo, huyện nghèo; thời gian thực hiện Nghị quyết; mức hỗ trợ…

Trước quan tâm chung của nhiều bạn đọc về tính bền vững trong xóa nghèo, các đại biểu tham gia buổi trực tuyến thừa nhận có những vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết cần sớm tháo gỡ để việc xóa nghèo tại 62 huyện nghèo trên cả nước được đẩy nhanh.

Tuy nhiên, việc xóa nghèo bền vững không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào việc hỗ trợ, trợ giúp kinh tế từ Nhà nước và các doanh nghiệp mà bản thân các địa phương cần có những hành động thiết thực kết hợp các nguồn nội lực, động viên người dân, các đơn vị trên địa bàn tích cực sản xuất, phát triển kinh tế.

Nhiều băn khoăn của độc giả liên quan đến hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật; đầu tư cho giáo dục địa phương, nâng cao đời sống giáo viên ở các huyện nghèo; đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho lao động xuất khẩu; việc bố trí và quyết toán của doanh nghiệp hỗ trợ; sự chênh lệch trong mức hỗ trợ… cũng đã được các đại biểu tham gia giải đáp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục