Góc nhìn về hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Lào

Hiện Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Lào, với giá trị đầu tư trên 11 tỷ USD trong 777 dự án, chưa bao gồm việc đầu tư phát triển khu kinh tế mới Siphandone của Tập đoàn Guang Dong Yellow Stone.
Góc nhìn về hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Lào ảnh 1

Trang mạng voanews.com (tiếng Lào) mới đây dẫn lời Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Lào Suphan Keomixay khẳng định đầu tư của nước ngoài tại các Đặc khu kinh tế và Khu kinh tế chuyên biệt tại Lào vẫn liên tục gia tăng.

Hơn 700 công ty nước ngoài hiện đang đầu tư trên 3,5 tỷ USD tại 12 đặc khu kinh tế và sản xuất ra lượng hàng hóa để xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, đã nộp thuế cho chính phủ Lào 36 triệu USD trong năm 2018.

Trong sáu tháng đầu năm 2019, đã có trên 110 công ty đến đầu tư tại 12 đặc khu kinh tế của Lào và để thu hút đầu tư nhiều hơn nữa, chính phủ Lào đã nhất trí cho tiến hành điều chỉnh rõ ràng hơn cơ chế quản lý của Trung ương và địa phương, đồng thời sẽ tăng quyền ưu đãi đặc biệt về thuế.

Bộ trưởng Suphan Keomixay khẳng định: “Chúng tôi đã đề nghị chính phủ ban hành nghị định mới, gọi là Nghị định 188, về điều chỉnh cơ chế đầu tư tại các đặc khu kinh tế, có chính sách miễn thuế và các chính sách tạo thuận lợi hơn cho đầu tư, đồng thời điều chỉnh việc phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương sao cho thuận tiện hơn.”

[Thủ tướng Trung Quốc hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào]

Hiện tại, Đặc khu kinh tế Tam giác vàng tại tỉnh Bokeo của tập đoàn Dokngiukham thuộc Trung Quốc có 147 công ty nước ngoài đến đầu tư; Khu kinh tế chuyên biệt Boten Denngam tại tỉnh Luangnamtha có 128 công ty Trung Quốc đầu tư; Đặc khu kinh tế Sanvan-Xeno tại tỉnh Sanvannakhet có 117 công ty nước ngoài đầu tư; Khu kinh tế tập trung Xaysetha ở thủ đô Vientiane có 48 công ty Trung Quốc đến đầu tư; Khu công nghiệp và thương mại Vientiane-Nongthong có 47 công ty đầu tư; Đặc khu kinh tế Champasak có 33 công ty và các đặc khu kinh tế khác có 77 công ty, giúp Lào có nguồn thu từ thuế tăng từ 13 triệu USD trong năm 2017 lên mức 36 triệu USD trong năm 2018.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lào Somdee Duangdee khẳng định chính phủ Lào đã sửa đổi pháp luật, tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài tại Lào. Đặc biệt, đầu tư của các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc được xem là mục tiêu ưu tiên của Chính phủ Lào.

Lào và Trung Quốc là đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2009. Hiện Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Lào, với giá trị đầu tư trên 11 tỷ USD trong 777 dự án, chưa bao gồm việc đầu tư phát triển khu kinh tế mới Siphandone của Tập đoàn Guang Dong Yellow Stone với tổng giá trị 10 tỷ USD, trên diện tích 9,846ha, thuộc khu vực Siphandone-Khonphapheng ở tỉnh Champasak.

Đầu tư của Trung Quốc tại Lào chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, khai thác khoáng sản, nông nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng.

Trong một diễn biến khác, vẫn theo trang mạng voanews.com, chính quyền tỉnh Udomxay đã cấp phép đối với ba dự án đầu tư lớn cho ba công ty cũng đến từ Trung Quốc. Theo đó, trang này dẫn thông báo của Chủ tịch tỉnh Udomxay là ông Khamphan Pheuiyavong khẳng định chính quyền tỉnh Udomxay vừa mới nhất trí cấp phép ba dự án đầu tư lớn cho ba công ty tư nhân Trung Quốc để phát triển thành phố mới, thành phố hiện đại, đặc khu kinh tế và khu nông nghiệp sạch dọc theo hành lang tuyến đường sắt Lào-Trung có tổng chiều dài trên 126km, tập trung phát triển tỉnh Udomxay trở thành trung tâm của các tỉnh phía Bắc cả về an ninh xã hội, phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch.

Ba công ty của Trung Quốc được cấp phép tại ba dự án đầu tư lớn thuộc tỉnh Udomxay lần này gồm Công ty Dokngiukham, Công ty Boten Denkham và Công ty Amata. Hiện cả ba công ty đang tiến hành nghiên cứu khảo sát và thu thập thông tin trong khu vực dự án của mình.

Công tác nghiên cứu khảo sát và thu thập thông tin sẽ sớm kết thúc để trình kế hoạch phát triển cụ thể cho chính quyền tỉnh Udomxay.

Theo Chủ tịch tỉnh Udomxay, hợp đồng với Công ty Dokngiukham là nghiên cứu, khảo sát tính khả thi cho việc phát triển dọc theo hành lang tuyến đường sắt thuộc địa bàn tỉnh Udomxay; hợp đồng với Công ty Amata là xây dựng các huyện Namo, huyện Xay và huyện Hun thành khu huyện thị hiện đại; hợp đồng với Công ty Boten Denkham là nghiên cứu, khảo sát phát triển đặc khu kinh tế Phulakkham giáp với biên giới Trung Quốc.

Ngoài ra, còn có 10 công ty khác của Trung Quốc cũng đã ký Biên bản ghi nhớ về đầu tư phát triển khu du lịch, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, bệnh viện và các công trình tiện ích khác.

Tuy nhiên, vấn đề đền bù thiệt hại về cây hoa màu và đất đai cho người dân để đầu tư, phát triển các dự án lớn của chính phủ Lào vẫn đang là vấn đề được xã hội quan tâm và bị lên án là chưa thỏa đáng, khi giá cả đền bù bị cho là thấp hơn giá trị thực tế đến 10 lần./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục