Gói 30.000 tỷ: Nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu

Gói 30.000 tỷ đồng: Chậm giải ngân không vì thiếu tiền

Năm ngân hàng thương mại đã sẵn sàng giải ngân cho dân vay ưu đãi, nhưng hầu hết các dự án nhà ở xã hội hiện mới bắt đầu triển khai nên chưa có hàng cung cho thị trường.
Chiều ngày 16/8, Ngân hàng Nhà nước tổ chức gặp mặt báo chí để thông tin về kết quả triển khai chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ (gói 30.000 tỷ đồng).

Nguyên nhân của việc giải ngân chậm là do sự mất cân đối cung - cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vì hầu hết các dự án nhà ở xã hội hiện mới bắt đầu triển khai nên chưa có hàng hóa cho thị trường.

213 khách hàng cá nhân đã được vay

Ngày 16/8, Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Viết Mạnh cho biết, tính đến 15/8 (sau 2 tháng triển khai gói 30.000 tỷ đồng) các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay 219 khách hàng cá nhân với số tiền là 65,57 tỷ đồng theo chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở, trong đó đã giải ngân cho 213 khách hàng với dư nợ 50,22 tỷ đồng.

Hiện Đà Nẵng là thành phố cho vay hỗ trợ nhà ở đối với khách hàng cá nhân lớn nhất chiếm tỷ trọng 29,25% toàn quốc; tiếp theo là Hà Nội (28,58%), Vĩnh Phúc (11,85%), Thành phố Hồ Chí Minh (10,51%), còn lại 19,81% ở các tỉnh, thành phố khác.

Bà Lê Thị Mỹ Linh, Trưởng phòng Khách hàng cá nhân VietinBank cho biết, ngay từ khi bắt đầu triển khai, Ngân hàng này đã gửi công văn đến toàn hệ thống để triển khai thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở. Hiện VietinBank là ngân hàng giải ngân tốt nhất trong 5 ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở đạt 20,6 tỷ đồng cho 82 khách hàng.

Ông Nguyễn Ngọc Tâm, Phó Tổng giám đốc MHB cũng cho biết, Ngân hàng đã chấp hành nghiêm túc từ 19/3 ngay sau khi có chủ trương. Đến nay đã tiếp nhận 37 hồ sơ và chấp thuận cho vay 16 hồ sơ với dư nợ 4,2 tỷ đồng.

Theo ông Tâm, những hồ sơ chưa giải ngân là do khách hàng chưa muốn dùng tiền vay ngân hàng để trả đợt đầu tiên cho chủ đầu tư mà họ dùng tiền có sẵn để hạn chế phần vay của ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, đối với khách hàng doanh nghiệp, trong khuôn khổ gói tín dụng này, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận đăng ký của BIDV được ký hợp đồng tín dụng với 2 khách hàng ở Huế và Thành phố Hồ Chí Minh với số tiền là 658 tỷ đồng. BIDV đã giải ngân cho một khách hàng tại Huế với số tiền là 34,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Agribank đang làm thủ tục đăng ký hợp đồng tín dụng với 1 khách hàng trên địa bàn Cần Thơ với số tiền 50 tỷ đồng.

Thiếu nguồn cung nhà ở xã hội

Theo ông Mạnh, do lần đầu tiên triển khai một chương trình tín dụng ưu đãi dài hơi như vậy nên không tránh khỏi những khó khăn vướng mắc. Do đó, việc triển khai trong thời gian đầu chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có phải ngân hàng thiếu tiền nên tốc độ giải ngân chậm, ông Mạnh khẳng định không có chuyện thiếu tiền để giải ngân gói 30.000 tỷ đồng này cho người dân vay, 5 ngân hàng thương mại luôn sẵn sàng. Mà nguyên nhân là do sự mất cân đối cung - cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vì hầu hết các dự án nhà ở xã hội hiện mới bắt đầu triển khai nên chưa có hàng hóa cho thị trường.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà thuộc Bộ Xây dựng cho biết, đến nay, tồn kho bất động sản toàn quốc khoảng 27.805 căn, tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và hạng sang, còn phân khúc nhà ở trung bình, nhà ở xã hội không đáng kể.

Theo ông Ninh, về nguồn cung nhà ở, thời gian trước đây các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư nhà ở thương mại cao cấp, có quy mô lớn và giá bán cao nên quỹ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các địa phương đến thời điểm hiện nay rất khan hiếm. Các dự án ở Đặng Xá, Vĩnh Hưng, Ngô Thì Nhậm đều là sản phẩm có trước thời điểm 7/1/2013.

Việc xem xét cho chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp tiêu chí vay đang rất chậm, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Ninh, giải pháp để tăng cung hiện nay là Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư hướng dẫn chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Quy trình cần qua nhiều bước nên việc thẩm định và cho phép các chủ đầu tư thực hiện chuyển đổi cần có thời gian để  cấp tỉnh xem xét. Những dự án có quy mô lớn trên 500 căn trở lên thì các địa phương phải có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng.

Ông Ninh cho biết, hiện các địa phương đang tích cực xem xét, như thành phố Hà Nội đã thành lập tổ công tác tác phối hợp với Bộ Xây dựng để xem xét chuyển đổi 26 dự án, trong đó có một số dự án đã được Bộ thống nhất cho chuyển đổi.

“Tuy nhiên, việc chuyển đổi cũng gặp một số khó khăn nhất định như thiết kế kỹ thuật… Hy vọng thời gian tới nguồn cung về nhà ở xã hội và nhà dưới 70m2 sẽ tăng lên để đáp ứng nhu cầu thị trường,” ông Ninh cho hay.

Trong thời gian triển khai, theo phản ánh của các ngân hàng thì vướng nhất bây giờ là việc xác nhận việc cư trú và thực trạng về nhà ở theo quy định của Bộ Xây dựng tại Thông tư 07, có nơi Ủy ban nhân dân xã, phường xác nhận, có nơi thì không xác nhận.

Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đã ban hành 2 văn bản gửi chính quyền địa phương trên phạm vi địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được hỗ trợ nhà ở trong việc xác nhận về hộ khẩu, thực trạng nhà ở để được vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Mạnh cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đôn đốc các ngân hàng thương mại chấp hành đúng quy định, tích cực triển khai hướng dẫn tận tình khách hàng vay vốn, đẩy nhanh công tác thẩm định và quyết định cho vay cá nhân và doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Xây dựng rà soát lại các dự án nhà ở xã hội hiện không được phép thế chấp để tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng căn nhà mua làm tài sản thế chấp khi vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với ngân hàng trong việc tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục