Gói kích thích kinh tế của ECB: Một cây làm chẳng nên non

Mặc dù nhận được nhiều lời khen nhưng gới cứu trợ kinh tế khổng lồ này vẫn vấp phải sự hoài nghi về tính hiệu quả của nó khi nhiều người cho rằng “một cây làm chẳng nên non.”
Gói kích thích kinh tế của ECB: Một cây làm chẳng nên non ảnh 1Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi tại cuộc họp báo công bố chính sách nới lỏng định lượng tại Đức. (Nguồn: THX/TTXVN)

Gói cứu trợ kinh tế “khổng lồ” trị giá 1.100 tỷ euro của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được coi là chiếc “phao cứu sinh” đối với nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang phát triển èo uột.

Tuy nhiên, mặc dù nhận được nhiều lời khen về sự hào phóng cũng như tính linh hoạt nhưng quyết định này vẫn vấp phải sự hoài nghi về tính hiệu quả của nó khi nhiều người cho rằng “một cây làm chẳng nên non.”

Chia sẻ về thông tin này, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), Haruhiko Kuroda nhận định rằng trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tiếp lập đáy mới, việc ECB tung ra gói cứu trợ 1.100 tỷ euro sẽ giúp nâng triển vọng phát triển của kinh tế thế giới.

Sự kiện ECB hào phóng mở hầu bao để kích thích kinh tế cũng là tâm điểm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được tổ chức tại Davos (Thụy Sĩ) và phần nào xua đi đám mây u ám đang bao phủ khắp các nền kinh tế thế giới trong thời gian qua. Thị trường chứng khoán cũng được hưởng lợi khi giới đầu tư hy vọng gói kích thích sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Eurozone.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu một “cơn lũ tiền mặt” có thể khiến nền kinh tế thật sự khởi sắc hay không? Việc ECB bơm thêm tiền vào nền kinh tế sẽ thúc đẩy hoạt động tín dụng và làm giảm lãi suất cho vay, qua đó giúp lạm phát, nhu cầu và việc làm tăng cao song hoạt động vay vốn và chi tiêu của doanh nghiệp còn phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố như triển vọng lợi nhuận và sự tự tin của người tiêu dùng, và những yếu tố này sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác hơn là nguồn tiền.

Chủ tịch Công ty sản xuất giày Geox của Italy Mario Polegato nhận định thiếu vốn vay không phải là toàn bộ vấn đề của doanh nghiệp nước này mà còn cả sự thiếu chiến lược bán hàng hiệu quả, sản phẩm thiếu tính cạnh tranh hay nạn quan liêu.

Polegato cho rằng sự thay đổi sẽ đến từ những cải cách về mặt chính trị và văn hóa của Italy, hơn là từ nguồn vốn của ECB.

Benoit Coeure, thành viên Ban điều hành ECB, khẳng định rằng chỉ một mình ECB nỗ lực là không đủ mà chính phủ các nước thành viên cũng phải hành động để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, chẳng hạn như linh hoạt hóa thị trường lao động hay khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư. Một vài nơi ở châu Âu, đặc biệt là ở Đức, đang quan ngại rằng kế hoạch của ECB sẽ khiến chính phủ các nước thành viên “xem nhẹ” việc tái cơ cấu nền kinh tế.

Ngoài ra, người Đức cũng lo lắng về sự mất giá của đồng euro song ông Coeure cho hay mục đích chính của gói kích thích này là nhằm nâng lạm phát lên mức mục tiêu 2% chứ không phải là để “dìm” đồng euro.

Mặc dù ủng hộ ECB nhưng Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh quốc (BoE), Mark Carney vẫn lên tiếng cảnh báo rằng việc lãi suất trên toàn thế giới đang ở mức thấp, cùng với những chính sách kích thích kinh tế tại châu Âu và Nhật Bản có thể khiến hoạt động đầu tư rủi ro tăng mạnh.

Tuy nhiên, với một khuôn khổ giám sát tốt hơn trên quy mô toàn cầu, thế giới có khả năng "xử lý" hoạt động này tốt hơn thời kỳ trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục