Gọi tên nhạc sĩ "Mười chín tháng Tám" khi thu về

Nhạc sĩ Xuân Oanh hữu duyên với mùa thu, không chỉ bài hát "Mười chín tháng Tám" lẫy lừng mà ca khúc "Gọi thu" cũng ngọt ngào, đắm say...
Sáng 18/8/2011 bước theo lối quen, phóng viên Vietnam+ đến căn nhà hầm ở số 58 Quán Sứ, Hà Nội để “thăm” nhạc sĩ Xuân Oanh, cho dù tác giả bài hát "Mười chín tháng Tám" đã đi xa chúng ta hơn một năm trời.

Nhạc sĩ Xuân Oanh “Gọi thu”


Âm nhạc Việt Nam đã ghi dấu ấn lịch sử những tên tuổi còn mãi. Đó là nhạc sĩ Văn Cao với "Tiến quân ca," nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi với "Diệt phát xít,"  và nhạc sĩ  Xuân Oanh với “Mười chín tháng Tám.” Cùng với các bạn bè thế hệ mình, nhạc sĩ Xuân Oanh đã góp vào nền âm nhạc Việt Nam một tên tuổi đầy tài hoa, tràn nhiệt huyết một thời và mãi mãi.

Theo nhạc sĩ Hồng Đăng kể lại, không khí sôi sục, tinh thần đấu tranh của toàn dân tộc trong giờ phút trọng đại ấy đã truyền vào cậu thanh niên Xuân Oanh…“bật” thành lời ca tiếng hát. Bài hát “Mười chín tháng Tám” ra đời “một cách kỳ lạ” như vậy.

Chúng ta thường nhắc đến nhạc sĩ Xuân Oanh gắn với ca khúc "Mười chín tháng Tám" nhưng còn một bài hát rất trữ tình và lắng hồn người nghe một cách sâu sắc là bài “Gọi thu” được phổ thơ của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng.

Đó là những câu thơ đã được nhạc sĩ Xuân Oanh chắp cánh âm nhạc: “Làm sao tìm lại mùa thu dịu dàng/ Ngày em còn nhỏ gót trần lang thang… Làm sao tìm lại mùa thu dịu dàng/ Người em yêu ơi bao mùa thu sang/ Biết anh còn nhớ mùa thu đầu ấy/ Anh đưa em qua suối nguồn xiết chảy/ Em như viên cuội rơi rồi dưới đáy/Anh về bến cũ vớt mùa thu lên.” 

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng kể lại: “Năm 1992 tôi in tập thơ 'Gọi thu.' Dĩ nhiên tôi dành tặng bác một bản bởi khi đó bác đã rất quý tôi và tôi cũng vậy. Và bài “Gọi thu” trong tập đã lọt vào “mắt xanh” của nhạc sĩ. Bác mời tôi đến nhà rồi long trọng ngồi trước chiếc đàn piano và chơi bài 'Gọi thu' mà bác vừa sáng tác.”

“Những giai điệu dịu dàng thánh thót ngân nga khiến tôi như bắt gặp tuổi thơ chân trần của mình trên cánh đồng buổi sớm tinh sương, cũng khiến tôi như trở lại tuổi thanh xuân với tình yêu đắm say ban đầu,” nhà thơ chia sẻ.

Nữ thi sĩ kể lại: “Năm 1998, bác Xuân Oanh tặng tôi một bức tranh sơn dầu vẽ một cô gái tóc thả sau lưng, đang tung tăng gót chân trần trên đồng cỏ, với những viên sỏi nhỏ phía sau, trên đầu, khoảng trước mặt là bầu trời mầu thanh thiên với những cánh chuồn đỏ thẫm… Sau bức ảnh bác đề 'Gót  trần lang thang' và kí tên X.O. Tôi sung sướng đem về nhà treo và với tôi đó là bức họa đẹp nhất vì thật nhiều chữ 'tài' và chữ 'tình' trong đó…”

Như vậy, nhạc sĩ Xuân Oanh đã gọi mùa thu bằng âm nhạc, bằng sắc màu hội họa. Con người hết lòng với thu ấy đã tha thiết gọi thu.

Thu gọi tên người nhạc sĩ
...

Gần một năm rưỡi đã trôi xa, cửa xếp nhà nhạc sĩ vẫn kéo sẵn, hộp thư vẫn dán tên nhạc sĩ tài hoa nhưng cánh cửa ngày nào rộng mở đón bạn bè nay chỉ gợi nhung nhớ khôn nguôi.

Trong một lần gặp gỡ, bà Đỗ Thị Dung, em gái nhạc sĩ đã nghẹn ngào kể lại rằng trước khi đi lấy chồng bà đã sống cùng anh trai. Đến năm 1995, vợ nhạc sĩ qua đời, bà thương anh trai nên lại cùng gia đình mình quay về mua nhà ở gần bên để tiện chăm sóc, gần gũi anh.

"Sau khi anh mất, ngày ngày tôi cứ ngồi bên nhà mình qua cửa sổ đối diện nhìn ra, cứ ai đến thắp hương là tôi lại chạy ngay ra mở cửa. Bạn bè anh tôi đến nhiều lắm. Ai cũng nhớ thương nhiều," bà Dung tâm sự.

Theo người em gái của nhạc sĩ: “Anh tôi thích độc lập nên dù con cái thành đạt mời ông đến ở nơi khác rộng rãi hơn, đẹp hơn ông vẫn nhất định ở đây. Ông bảo ở gần trung tâm để còn gặp bạn bè tri âm tri kỷ. Ngay cả thời gian ốm nhưng anh tôi vẫn dịch sách. Nằm trên giường bệnh mà ông vẫn được người ta vẫn mang tiền đến trả công dịch sách mới."

Những thập niên 90 của thế kỷ 20, với bút danh Anh Thư, nhạc sĩ Xuân Oanh đã tung ra một loạt bản dịch tác phẩm văn học Mỹ hấp dẫn độc giả. Hàng chục đầu sách lần lượt ra đời với số lượng bản in lớn, tái bản nhiều lần. Có thể kể đến các tác phẩm như "Trần trụi giữa bầy sói," "Hai số phận,"  "Vườn Thượng Hải," "Phía sau tình yêu”  và cả "Bảo bối Thượng Hải" của Vệ Tuệ.

Nhà văn Trần Thị Trường kể lại: “Tôi là một người em, một người bạn vong niên của bác Xuân Oanh. Chúng tôi tạo thành một nhóm gồm nhà văn Hồ Anh Thái, NSND Lê Dung, Trần Thị Trường… thường đến thăm, ăn trưa cùng ông, xem tranh của ông- những bức tranh sơn dầu với một bút pháp hồn nhiên của bản năng. Từ chiếc đàn piano kê trong căn phòng nhỏ của ông, chúng tôi luôn được nghe nhạc sĩ Xuân Oanh chơi các bản nhạc cổ điển, những đoản khúc dành cho đàn piano.”

Nhà văn nữ trầm ngâm rồi nói: “Điều tôi nhớ về ông là sự chu đáo, tình cảm với bạn bè. Ông hay tặng cho những người bạn các món quà nhỏ, tinh tế. Ông không dễ dãi trong việc quan hệ bè bạn nhưng ông đã thân ai thì thật nghĩa tình.”

“Bữa ăn ấm cúng cùng ông luôn có rươụ vang đỏ, bánh mì, thịt nguội và dưa chuột muối. Hẳn do sống ở nước ngoài nhiều nên ông rất quen ăn đồ tây. Thường ngày ông cũng thích ăn bánh mì nướng kẹp thịt nguội hơn cả ăn cơm. Đặc biệt, món mỳ Ý ông thường thích tự tay làm và không khiến chúng tôi tham gia xào nấu. Chúng tôi luôn thấy thú vị vì ông thường mua được phomat rất lạ để chế biến món spaghetti. Vì thế mà món mỳ của ông ngon lạ lùng,” nhà văn kể.

"Và, một bữa ăn như thế đã được lên lịch vào mùng 3 Tết, nhưng hôm đó có tin báo NSND Lê Dung bị nghi là xuất huyết não, đã chuyển sang bệnh viện Hữu nghị. Bữa ăn ấy bất thành vì không ai còn lòng dạ nào... Hai hôm sau NSND Lê Dung qua đời. Tất cả chúng tôi cùng buồn lắm, nhưng nhạc sĩ Xuân Oanh lại càng buồn hơn vì ông mất một người em thân thiết trong khi bản thân ông lại sống một mình, lặng lẽ,” nữ nhà văn tâm sự.

Bây giờ là mùa thu, nhạc sĩ đã "gọi thu," hai mùa thu nay ông đi vào chốn thiên thu và 19/8 này người người lại nhớ ông, lại gọi ông giữa mùa lá rơi vời vợi nhớ thương./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục