Goldman Sachs bị chất vấn vì định giá Royal Mail quá thấp

Giới chức Goldman Sachs và UBS được triệu tập tới một ủy ban của Quốc hội để giải trình việc tại sao lại định giá Royal Mail thấp hơn giá trị thị trường.

Các giám đốc của hai ngân hàng Goldman Sachs và UBS khẳng định, Vương quốc Anh không thể bán doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ bưu chính Royal Mail với mức giá cao như hiện nay, và bác bỏ cáo buộc rằng vụ tư nhân hóa "khủng" này đã làm người nộp thuế bị thiệt hại.

Giới chức hai ngân hàng trên (đã đưa Royal Mail lên niêm yết trên thị trường chứng khoán London) được triệu tập tới Business Innovation and Skills Committee (một ủy ban của Quốc hội) để giải trình việc tại sao lại định giá công ty gần 500 năm tuổi này thấp hơn nhiều so với giá trị thị trường hiện nay.

Cổ phiếu của Royal Mail đã tăng tới 80% kể từ khi Vương quốc Anh bán 60% cổ phần của mình tại Royal Mail hồi tháng 10/2013 với giá 330 xu Anh (5,3 USD)/cổ phiếu. Với mức giá này, Royal Mail trị giá 3,3 tỷ bảng (5,31 tỷ USD). Thương vụ Royal Mail đã làm dấy lên những chỉ trích từ phía các công đoàn và các nghị sĩ phe đối lập rằng Goldman Sachs và UBS đã đặt giá bán quá thấp. Đây được đánh giá là vụ bán tháo mạnh nhất kể từ những năm 1990, khi đảng Bảo thủ của ông John Major tư nhân hóa hệ thống đường sắt.

Adrian Bailey, Chủ tịch ủy ban trên, thành viên của Công đảng đối lập chỉ trích vụ Royal Mail và cho rằng có thể chính phủ đã để mất hơn 1 tỷ bảng nguồn thu dành cho những người nộp thuế, ở thời điểm Vương quốc Anh đang gồng mình áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng. Cổ phiếu của Royal Mail đã tăng 38% trong ngày giao dịch đầu tiên, trong bối cảnh nhà đầu tư "phát cuồng" vì cổ phiếu này.

Citigroup, Deutsche Bank, JPMorgan và Panmure Gordon cũng bị ủy ban của Quốc hội chất vấn vì vài tháng trước khi diễn ra thương vụ trên đã tư vấn cho chính phủ, định giá Royal Mail dao động từ 3,7-8,5 tỷ bảng.

Ông Ben Story thuộc Citigroup cho rằng không nên so sánh những ước tính cao trước đó với giá chào sau cùng, vì các ngân hàng ở thời điểm đó thiếu thông tin chi tiết về doanh nghiệp.

Các chủ ngân hàng cho rằng hai yếu tố chính dẫn đến quyết định bị cho là "bán hớ" trên đó là mối đe dọa đình công từ phía các nhân viên của Royal Mail và vấn đề nợ nần tại Mỹ. Công đoàn ngành viễn thông, đại diện cho các nhân viên của Royal Mail, cho rằng chính phủ đã cường điệu hóa tác động của nguy cơ đình công./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục