Góp gạo, chọi trâu chung giữ tục xưa

Để có một chú trâu chọi, người dân phải góp tiền rồi cử người vượt suối, băng rừng để tuyển lựa. Người được cử ra để chăm bẵm kiêm huấn luyện viên chính của trâu chọi phải là người có tài, đức và kinh nghiệm…

Để có một chú trâu chọi, người dân phải góp tiền rồi cử người vượt suối, băng rừng để tuyển lựa. Người được cử ra để chăm bẵm kiêm huấn luyện viên chính của trâu chọi phải là người có tài, đức và kinh nghiệm…
 
Tất cả sự lạ lùng ấy đều có trong tục chọi trâu ở xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
 
Từ trong truyền thuyết…
 
Ông Nguyễn Đức Dục, phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hải Lựu, bảo rằng, chọi trâu ở khu vực trung du miền núi, nằm bên hữu ngạn con sông Lô này “độc nhất vô nhị”. Tay bóp trán, vẻ đăm chiêu, ông kể, xã Hải Lựu ngày nay gồm đất của 2 làng Bạch Lưu Hạ (còn gọi là Kẻ Nội) và Hải Lựu (Kẻ Kảy) thuộc tổng Bạch Lưu, huyện Lập Thạch.
 
Tục chọi trâu ở Bạch Lưu Hạ đã có từ xưa lắm. Truyền thuyết dân gian vẫn kể rằng, vào một sớm, khi sương mù còn giăng khắp núi đồi, khi người dân vẫn chìm trong giấc ngủ thì có tiếng ầm ầm ở đầu làng. Giật mình, mọi người ùa ra xem thì thấy có 2 con trâu trắng chọi nhau, bất phân thắng bại. Thấy người xem đông, 2 “đấu sĩ” dừng trận chiến, nhảy xuống sông biến mất… Từ đó, người dân bèn tổ chức lễ hội chọi trâu để tưởng nhớ đến 2 chú trâu trắng thuở nào.
 
Một thuyết khác thì cho rằng, chọi trâu Hải Lựu cũng như các cổ tục sát sinh hiến tế và bản chất là lễ hiến sinh của tục cầu mưa. Ông Dục bảo, theo những ghi chép còn lại của các bản thư tịch cổ và các bản Ngọc phả còn lưu lại thì hội chọi trâu Hải Lựu có từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên.
 
Chuyện rằng, vào thời điểm ấy, tướng Lộ Bác Đức (Trung Quốc) đem quân xâm lược nước Nam Việt. Tướng của Nam Việt là Lữ Gia về vùng núi Long Động (Lập Thạch) đem quân chống lại Lộ Bác Đức ròng rã hơn 10 năm.
 
Suốt thời gian ấy, để động viên tinh thần binh sĩ và dân chúng khi thắng trận, tướng Lữ Gia đã cho mổ trâu khao thưởng quân sĩ và dân làng ăn mừng chiến thắng. Để giúp vui, ông đã nghĩ ra trò “Đấu Ngưu” (chọi trâu) để mua vui.
 
Từ bấy đến nay, mỗi khi Tết đến, xuân về, người Bạch Lưu Hạ lại tưng bừng tổ chức lễ hội chọi trâu vào ngày 17 tháng Giêng.
 
Người xưa kể, làng Bạch Lưu Hạ chia làm 4 giáp và việc nuôi trâu do 4 giáp này đảm nhiệm. Bởi có sự chênh lệch giữa các nhân đinh (con trai) trong từng giáp nên số trâu chọi từng giáp cũng khác nhau. Từng giáp lại căn cứ vào ngày, giờ sinh của các nhân đinh mà phân bổ theo thứ tự: Ai sinh trước thì được nuôi trước, có những giáp 4 người nuôi chung 1 trâu.
 
Lễ hội chọi trâu của Bạch Lưu Hạ thường được chuẩn bị và kéo dài từ tháng 8 đến tháng 1 năm sau. Trâu được lựa chọn để chọi bắt đầu tính thời gian từ tháng 8 và trình trâu vào tháng 9. Khi “trình”, mỗi người nuôi trâu phải sắm sửa lễ vật gồm: 1 ván xôi, 1 con gà sống thiến, trầu cau, rượu nước… ra đình Trên để trình Đức thánh.
 
Sau khi làm lễ trình, người nuôi trâu phải tuân thủ theo quy định: trâu phải nuôi hãm trong chuồng, dùng dây thừng bện bằng tre cật vòng qua hai sừng trâu, hai đầu sừng được cố định vào văng chuồng, chạc sẹo cũng được go chặt vào văng để mõm trâu hếch lên tiện cho việc bón thức ăn.
 
“Ngoài ra, chuồng nuôi trâu chọi phải thường xuyên được quét dọn sạch và ngày 2 lần phải đưa trâu ra sông tắm rửa. Ai làm trái quy định sẽ bị phạt và thậm chí không được đưa trâu đi thi đấu,” ông Dục nói.
 
Trước ngày chọi, dân làng sẽ tổ chức rước kiệu từ đình Kiêng đến đình Trên, sau đó người nuôi trâu dắt trâu ra đình Trên làm lễ thánh. Lúc làm lễ, người dắt trâu phải dùng ngoặc móc vào để nâng mũi trâu lên, hạ xuống 4 lần. Tiếp theo, họ lại dắt trâu về, cho ăn bánh, thịt, rượu… rồi mới đưa ra đình Kiêng để chuẩn bị vào sới chọi.
 
Khi đó, trâu chọi phải được tắm rửa sạch, được đánh vòng bằng thừng tre ở mũi thay cho sẹo. Người dắt trâu phải mặc lễ phục gồm áo dài, thắt lưng đai mũi cạnh. Trâu phải được bịt mắt để không nhìn thấy nhau. Cuối buổi chọi, trâu được hay thua đều đem mổ thịt làm lễ tế thần và chia cho dân làng.
 
Phục dựng lễ hội độc đáo
 

Năm 1947, do sự xâm lấn của giặc Pháp rồi sau đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ, hội chọi trâu Hải Lựu đã bị gián đoạn. Năm 2002, nhờ sự cố gắng của chính quyền xã và các cụ cao niên trong làng, hội chọi trâu Bạch Lưu Hạ năm nào đã được khôi phục.
 
Điều đặc biệt ở lễ hội chọi trâu Hải Lựu là sự góp công, góp của của người dân theo kiểu “góp gạo, chọi trâu chung.”
 
Nhớ lại những ngày đầu mới phục dựng, anh Hà Văn Liệu, 38 tuổi, khi ấy là Hội trưởng Hội nông dân thôn Lòng Thuyền cho hay, 19 thôn trong xã Hải Lựu đều nhận nuôi trâu chọi và được phân bổ theo nóc nhà. Theo đó, năm 2002 có 10 trâu tham gia chọi nhưng đến 2009 này đã có tới 25 trâu chọi.
 
Khi được phân công chuẩn bị trâu chọi, tùy từng thôn sẽ có cách phân bổ hợp lý. Có thôn thì xếp từng cụm các hộ dân được nuôi trước, sang năm đến các hộ khác, có thôn lại tổ chức theo hình thức bốc thăm…
 
Theo anh Liệu, ở thôn Lòng Thuyền trung bình cứ khoảng 10 người thì nuôi 1 trâu chọi, có những người không rút thăm trúng lại xin ké… cổ phần. “Chọi trâu bởi vui, nên tuy chỉ 10 lá thăm trúng nhưng chúng tôi thường có đến 15 anh em nuôi 1 trâu.
 
Ngoài ra, khi tham gia anh em chúng tôi lại có dịp “đàn đúm” thường xuyên để theo dõi tình của “đấu sĩ” cũng như góp sức vào công tác… huấn luyện,” anh Liệu nói.
 
Sau khi đã thống nhất số người tham gia “cổ phần”, người ta lại phải bàn bạc kỹ hàng tuần để thống nhất mức đóng góp bao nhiêu tiền để mua được chú trâu ưng ý. Họ bắt đầu tiến hành việc mua trâu ngay từ tháng 2 Âm lịch. Mua xong, cả nhóm phải bàn “như mổ bò” để lựa chọn ra người chăm sóc kiêm huấn luyện viên số 1 cho trâu. Người này sẽ được nhóm đó trả lương ở mức 700.000 đồng/tháng (bao gồm cả công sá lẫn tiền mua cỏ, ngọn mía cho trâu ăn).
 
Ông Đỗ Duy Chỉ, 60 tuổi, người từng “huấn luyện” 1 chú trâu đoạt giải Nhất năm 2003 bảo, người Hải Lựu bây giờ ai cũng muốn tham gia lễ hội độc đáo này. Bởi, trâu đoạt giải nhất bây giờ ngoài tiền thưởng khoảng 25 triệu đồng thì thịt trâu được bán với giá rất đắt, thường gấp từ 5-7 lần so với giá bên ngoài. Thịt trâu không được giải cũng được bán với giá gấp đôi. Đầu trâu giải Nhất có năm được chào giá đến 10 triệu đồng nhưng thường thì người nuôi trâu sẽ không bán mà đem treo ở nhà mình…
 
Không những thế, người tham gia nuôi trâu chọi còn tin rằng, họ sẽ được may mắn cả năm nếu góp sức vào lễ hội.
 
“Điều đáng tiếc của lễ hội chọi trâu bây giờ là đình Trên và đình Kiêng đã bị tàn phá do chiến tranh. Bởi vậy, mọi nghi lễ đều được tổ chức tại Vọng đài tưởng niệm tâm linh, nơi thờ Thành hoàng làng, nằm sát khu vực chọi trâu,” ông Chỉ xót xa.
 
Nói rồi, ông Chỉ đưa tay vỗ vỗ chú trâu đang trong giai đoạn nuôi hãm đợi đến ngày chọi của mình, mời mọc: “Dù ai đi đâu, ở đâu/ Tháng Giêng mười bảy chọi trâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Tháng Giêng mười bảy nhớ về chọi trâu - các chú nhớ về vui với làng nhé!”./.
 


  Trung Hiền – Thông Chí (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục