Góp ý dự án Luật Đầu tư và quản lý nguồn vốn nhà nước

Các đại biểu cho rằng dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp là cần thiết để quản lý chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp nhà nước.
Góp ý dự án Luật Đầu tư và quản lý nguồn vốn nhà nước ảnh 1(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Ngày 7/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong phiên họp toàn thể lần thứ 10, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Các đại biểu cho rằng dự án luật này cần thiết nhằm quản lý chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp gồm có 6 chương, 44 điều, quy định về đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và giám sát hoạt động đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, dự án luật để khắc phục các hạn chế, tồn tại phát sinh trong thực tiễn đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trong thời gian qua đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc định hướng, tổ chức lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, với phạm vi điều chỉnh cụ thể trên, dự án luật này sẽ thống nhất, không chồng chéo, đảm bảo tính đồng bộ với các luật, dự án luật khác như Luật Ngân sách nhà nước; Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Luật Đầu tư công.

Nhiều đại biểu cho rằng những rủi ro, đầu tư thiếu hiệu quả vừa qua chủ yếu xảy ra trong các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nguyên nhân là do việc quản lý còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ. Do đó, luật phải quy định chi tiết để khắc phục hạn chế, nâng cao tính hiệu quả, sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nhà nước.

Dẫn chứng nhiều ví dụ cụ thể trong quản lý đầu tư vốn nhà nước ở các nước và tại Việt Nam, đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng việc “nâng cấp” các thông tư, nghị định, quyết định... thành luật là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Khi có dự án luật này, chúng ta sẽ lấp được các lỗ hổng, những tồn tại trong quản lý việc đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thời gian qua. Với 100% vốn nhà nước thì dù đầu tư lớn hay nhỏ cũng phải công khai, minh bạch trong quá trình hoạt động.

Tại phiên họp, nhiều đại biểu cũng cho rằng việc quản lý các doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 100% cũng cần phải có quy định cụ thể để không gặp phải vướng mắc về sau; quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, đặc biệt cần quy định cả trách nhiệm của người đề ra chủ trương và quyết định đầu tư không hiệu quả.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục