Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón nhấn mạnh, Báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của Đại hội, là căn cứ để định hướng chủ trương, quyết sách quan trọng để phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Ngày 18/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức Hội nghị góp ý của các đồng chí nguyên là cán bộ chủ chốt tỉnh qua các thời kỳ vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón nhấn mạnh, Báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của Đại hội, là căn cứ để định hướng những chủ trương, quyết sách quan trọng để phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong nhiệm kỳ tới.

Hội nghị mong muốn tiếp nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên là lãnh đạo chủ chốt qua các thời kỳ, nhất là đối với những vấn đề lớn, những nội dung quan trọng về chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, có tính đột phá và các giải pháp mang tính khả thi cao nhằm giúp tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, phân tích về chủ đề và phương châm đại hội, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội X; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của nhiệm kỳ 2020-2025…

Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Bùi Quang Huy nhận định, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, nhiệm kỳ 2015-2020, Vĩnh Long thực hiện đạt và vượt 16/27 chỉ tiêu chủ yếu, đây là kết quả khá tích cực. Trong đó, đáng chú ý là kinh tế tăng trưởng ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thương mại và dịch vụ tăng cao, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế.

[Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa]

Nhiều chỉ tiêu về văn hóa-xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững… đạt kết quả cao. Báo cáo chính trị cần làm rõ và nhấn mạnh những kết quả nổi bật này để nhân dân hiểu và đồng thuận hơn trong quá trình xây dựng địa phương thời gian tới.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Ký Ức cho rằng, trong điều kiện tự nhiên không có rừng và biển, tỉnh cần xác định 3 lĩnh vực chính để tập trung phát triển kinh trong thời gian tới là: công nghiệp, xuất khẩu, du lịch. Theo đó, để phát triển lĩnh vực công nghiệp, tỉnh tăng cường công tác thu hút đầu tư, chú trọng các nhà đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn, các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, hiện đại. Tỉnh phải xác định công nghiệp là ưu tiên hàng đầu.

Ngành công nghiệp phải tăng trưởng cao để thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp và nông thôn. Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh; xây dựng sản đặc thù, thương hiệu du lịch sinh thái miệt vườn miền sông nước.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trương Văn Sáu lưu ý, công tác dự báo tình hình trong 5 năm tới rất quan trọng, cần căn cứ vào thực tế của địa phương từ đầu nhiệm kỳ đến nay; đồng thời, phân tích, dự báo khách quan, khoa học, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Trên cơ sở đó, Báo cáo chính trị cần xác định phương hướng, quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 5 năm sao cho thật đúng, sát với thực tế, trong đó lưu ý nhiều hơn đến vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trên lĩnh vực kinh tế, tỉnh quan tâm thu hút đầu tư phát triển và lắp đầy các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Việc phát triển các khu, cụm công nghiệp không chỉ góp phần vào tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn giải quyết việc làm cho người lao động.

Theo ông Ngô Ngọc Bỉnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh không đạt kế hoạch của nhiệm kỳ, thấp hơn bình quân chung của cả nước; sản xuất nông nghiệp phát triển chưa bền vững, cần có giải pháp để khắc phục.

Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, rau màu chất lượng cao; phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, chất lượng.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Bách Khoa, về tổng thể của nhiệm kỳ 2015-2020, Vĩnh Long đã đạt được mục tiêu tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở đó, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh xây dựng chủ đề đại hội gồm 2 phương án.

Cụ thể, phương án 1 là tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đảm bảo quốc phòng, an ninh; đổi mới, sáng tạo, phấn đấu xây dựng tỉnh Vĩnh Long phát triển bền vững.

Phương án 2 là tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đảm bảo quốc phòng, an ninh; đổi mới, sáng tạo, nâng chất tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục