Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XII: Bố trí hợp lý cán bộ trẻ

Dự thảo Văn kiện nên nhấn mạnh hơn nữa vào vai trò, tầm quan trọng của cán bộ trẻ cũng như phương châm “gắn việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ với quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý, hiệu quả.”
Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XII: Bố trí hợp lý cán bộ trẻ ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 20/10, tại hội nghị lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trẻ góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức, các nhà khoa học trẻ nhấn mạnh điều cần thiết là phải thực hiện nội dung Văn kiện, quan trọng là thể chế hóa và đồng bộ hóa những chính sách đã đề ra.

Đào tạo, bồi dưỡng cần thiết phải gắn liền với quy hoạch, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ trẻ

Thạc sỹ Nguyễn Thị Hiền, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng bồi dưỡng, phát triển cán bộ trẻ là nội dung rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cũng như đào tạo đội ngũ kế cận cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

Tuy nhiên, nội dung dự thảo Văn kiện mới chỉ đề cập đến công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức nói chung mà chưa đưa ra những quan điểm, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, phát triển cán bộ khoa học trẻ. Đặc biệt, cán bộ khoa học trẻ công tác trong lĩnh vực khoa học xã hội-nhân văn còn chưa được nhìn nhận và quan tâm đúng mức.

Dự thảo Văn kiện nên nhấn mạnh hơn nữa vào vai trò, tầm quan trọng của cán bộ trẻ cũng như phương châm “gắn việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ với quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý, hiệu quả.”

So với các lĩnh vực khác, khoa học nhân văn ít có điều kiện phát triển hơn, sản phẩm của khoa học xã hội nhân văn chưa thể thấy rõ kết quả và áp dụng ngay được, mà thể hiện ở những quyết sách, chiến lược, hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Song nó cũng đòi hỏi trí tuệ và tâm huyết của người làm nghề, trong đó có cán bộ trẻ.

Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ theo nguyên tắc chức nghiệp hay chế độ việc làm đều nhằm đi đến kết quả cuối cùng là tạo ra được đội ngũ cán bộ, công chức thực sự có năng lực, biết giải quyết các vấn đề được giao trên nguyên tắc kết quả, hiệu quả và chất lượng.

Chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ hiện nay cần thiết phải gắn liền với quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ hiệu quả hợp lý, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ phát huy hết khả năng và năng lực của mình, được rèn luyện và trưởng thành về chuyên môn, nghiệp vụ, được phát triển trong tương lai.


Tạo bước đột phá

Thạc sỹ Lê Mạnh Hùng, Viện Nghiên cứu con người, nhấn mạnh để tạo bước đột phá, nhân lực điều hành, quản trị là quan trọng nhất, vì vậy trong dự thảo Văn kiện cũng cần nhấn mạnh đến đổi mới công tác cán bộ, cần có tiêu chí và điều kiện rõ ràng, cụ thể, đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo. Dự thảo cũng phải nhấn mạnh thêm đến quy trình phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài.

Về khoa học công nghệ, theo Tiến sỹ Vũ Anh Tài, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, để tạo được những bước đột phá thì không thực hiện theo các đơn đặt hàng những đề tài, dự án mang tính chất là nhiệm vụ chung chung, không rõ ràng và đặc biệt là những đề tài không có giá trị ứng dụng thực tế hoặc giá trị hàn lâm và những đề tài, dự án mang tính “giải ngân.”

Khoa học có mối quan hệ chặt chẽ với thực tiễn đời sống xã hội nhưng luôn là độc lập với chính trị. Khoa học phải mang tính phản biện để đến được với thực tiễn và có giá trị sử dụng đích thực, bởi vậy phải thường xuyên tổ chức các diễn đàn khoa học, trao đổi học thuật với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học trong cùng lĩnh vực và những doanh nghiệp, cá nhân có liên quan.

Việc xuất bản các công trình phải dựa trên cơ sở khoa học, gửi vào những tạp chí có uy tín, không chạy đua theo thành tích để đăng bài như là sản phẩm để nghiệm thu đề tài. Nếu đề tài không đạt được kết quả theo yêu cầu, cần chấp nhận đó là một thất bại chứ không phải là một kết quả đảm bảo “hoàn thành.”

Tiến sỹ Vũ Anh Tài cho rằng nên đề xuất ban thanh tra độc lập tiến hành thanh kiểm tra đề tài, dự án ở bất kỳ cơ quan, tổ chức nào sử dụng ngân sách nhà nước trong triển khai, ứng dụng. Nếu kết quả không đảm bảo yêu cầu thì phải đề xuất cách giải pháp xử lý nghiêm khắc và chế tài xử phạt trong trường hợp có bằng chứng về lợi dụng việc nghiên cứu khoa học để tư lợi hoặc gây lãng phí ngân sách quốc gia.

Một vấn đề quan trọng là xây dựng kênh kết nối quốc gia để ghi nhận “phản biện xã hội” về tình hình triển khai nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng khoa học trong đời sống nhằm mục tiêu hoàn thiện bộ máy tổ chức triển khai hoạt động khoa học công nghệ đồng thời ghi nhận những ý kiến, giải pháp và cả những sáng kiến của cộng đồng để phát triển tốt hơn khoa học công nghệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục