Góp ý về điều 32 dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Tiến sỹ Trịnh Tiến Việt, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tư pháp Hình sự, Đại học Quốc gia Hà Nội góp ý về Điều 32 Dự thảo Hiến pháp.
Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của tiến sỹ Trịnh Tiến Việt, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tư pháp Hình sự, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội góp ý về Điều 32 Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi, bổ sung Điều 72) để bảo đảm nguyên tắc “suy đoán vô tội” và tính thống nhất giữa Hiến pháp với Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự.

Ngày 23/11/2012, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 38/2012/QH13 về “Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” cùng với Dự thảo Hiến pháp sửa đổi nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, cũng như thể hiện ý chí, nguyện vọng và nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với đạo luật cơ bản của Nhà nước.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin góp ý hoàn thiện nội dung Điều 32 Dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 72 Hiến pháp hiện hành) có nội dung liên quan đến nguyên tắc “suy đoán vô tội” và sự cần thiết phải bảo đảm tính thống nhất giữa Hiến pháp với Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự.

“Suy đoán vô tội” là sự thể hiện quan điểm của Nhà nước trong việc tôn trọng các giá trị cao quý của con người (nhân phẩm, danh dự) trong xã hội và coi một người có đủ tư cách công dân với các quyền, nghĩa vụ do Hiến pháp và pháp luật quy định, cho đến khi người đó chưa bị Tòa án (cơ quan có thẩm quyền xét xử) kết tội bằng một bản án có hiệu lực pháp luật.

Vì vậy, để loại trừ, ngăn ngừa sự tùy tiện, lộng quyền, áp đặt hay vi phạm pháp luật từ phía cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng mà Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam (cũng như Bộ luật Tố tụng hình sự của nhiều nước) đã quy định rõ - các hoạt động tố tụng hình sự phải tuân thủ nghiêm chỉnh nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa - “Mọi hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này” (Điều 3 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003).

Tên gọi thuật ngữ “suy đoán vô tội” chưa được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam sử dụng và ghi nhận chính thức. Tuy nhiên, trên cơ sở những tư tưởng tiến bộ trong Điều 11 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 (“Một người bị buộc tội về hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là phạm tội theo pháp luật, tại một phiên tòa xét xử công khai, nơi người đó được bảo đảm những điều kiện cần thiết để bào chữa cho mình...”) và Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Liên Hợp quốc (“Người bị cáo buộc là phạm tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi hành vi phạm tội của người đó được chứng minh theo pháp luật...”), thì nội dung của nguyên tắc này đã được đề cập trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992, sửa đổi năm 2001 (Điều 72), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 (các điều 10, 11) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (các điều 9-10).

Xét dưới góc độ tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, yêu cầu của nguyên tắc “suy đoán vô tội” đòi hỏi tất cả các chủ thể, trước hết là các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành Tố tụng hình sự phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm của công dân, sau đến những người khác, cơ quan, tổ chức, báo chí, truyền thông... cũng phải đối xử và tôn trọng họ cho đến khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật. Còn khi họ đã có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật, thì Nhà nước đã quy định các quyền và nghĩa vụ của họ với tư cách là người đã bị kết án.

Điều 72 Hiến pháp năm 1992, sửa đổi năm 2001 quy định: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đó có hiệu lực pháp luật.
Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh”.

Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 nhắc lại và đặt tên nguyên tắc “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” quy định:
“Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”

Ngoài ra, Điều 32 Dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 72) ngày 23-11-2012 quy định:
"1. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
2. Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm.
3. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa.
4. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật”.

Như vậy, nghiên cứu điều luật này trong Dự thảo Hiến pháp năm 1992, chúng tôi nhận thấy, nội dung liên quan đến nguyên tắc “suy đoán vô tội” và một số điểm hạn chế, tồn tại của Điều 72 Hiến pháp hiện hành đã được Ban soạn thảo hoàn thiện, sửa đổi và bổ sung.

Từ nội dung Điều 32 Dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 72 Hiến pháp hiện hành), chúng tôi xin đóng góp thêm với Ban soạn thảo để hoàn thiện Điều luật này, cũng như bảo đảm tính thống nhất giữa Hiến pháp với Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự như sau:

Một là, về cơ bản, chúng tôi nhất trí với những đề xuất của Ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp về Điều 32 Dự thảo này, tuy nhiên, có bốn điểm nên sửa đổi, bổ sung bao gồm:

a) Khoản 1 Điều 32 Dự thảo quy định: “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Sau khi đã bỏ đi cụm từ “và phải chịu hình phạt” nội dung khoản này đã rất đầy đủ. Mặc dù vậy, để bảo đảm nội dung nguyên tắc “suy đoán vô tội” và thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, cũng như tương ứng với các chức năng cơ bản trong Tố tụng hình sự, khoản này nên bổ sung thêm nội dung: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.”

b) Khoản 2 Điều 32 Dự thảo quy định: “Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” nên sửa đổi, bổ sung thành: “Người bị buộc tội có quyền được tòa án xét xử. Không ai bị Tòa án kết án hai lần về một tội phạm mà người đó đã bị kết án” cho bảo đảm đầy đủ nội dung (logíc là thẩm quyền kết án chỉ do duy nhất Tòa án, đồng thời không thể kết án hai lần về một tội phạm mà người đó đã bị kết án), đồng thời phù hợp với khoản 7 Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 của Liên hợp quốc.

c) Khoản 3 Điều 32 Dự thảo quy định: “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa” nên sửa đổi, bổ sung thêm cả quyền trợ giúp, tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện... nên gọi là “những người khác theo quy định của pháp luật” (cùng với người bào chữa). Bởi lẽ, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định người bào chữa có thể là luật sư; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân (Điều 56), nhưng Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 còn quy định cả trợ giúp viên pháp lý cũng được coi là người bào chữa thực hiện các nhiệm vụ như: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện theo pháp luật... (điểm b khoản 3 Điều 21); hoặc dự phòng sau này có thể có thêm chủ thể nào đó được pháp luật quy định có quyền này.

d) Khoản 4 Điều 32 Dự thảo quy định: “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật” nên sửa đổi, bổ sung cho ngắn gọn và thống nhất với Điều 29 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 như sau: “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự, quyền lợi. Người làm trái pháp luật trong các hoạt động tố tụng đó gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh theo các quy định của pháp luật.”

Như vậy, Điều 32 Dự thảo Hiến pháp nên sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị Tòa án kết án hai lần về một tội phạm mà người đó đã bị kết án.
3. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa hoặc của những người khác theo quy định của pháp luật.
4. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự, quyền lợi. Người làm trái pháp luật trong các hoạt động tố tụng đó gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh theo các quy định của pháp luật.

Hai là, thông qua việc hoàn thiện Điều 32 Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, chúng tôi cho rằng, các Bộ luật, Luật dưới Hiến pháp phải phù hợp và thống nhất với Hiến pháp, vì Hiến pháp là đạo luật cơ bản.

Do đó, Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 nên sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
2. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
3. Mọi sự nghi ngờ về tội phạm của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, nếu không được loại trừ theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định thì các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải giải thích theo hướng có lợi cho họ”.

Ba là, tương tự, để bảo đảm tính thống nhất giữa Hiến pháp với Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 293 về “Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” và Điều 294 về “Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” trong Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009 nên sửa tên tội và nội dung thay cụm từ “có tội” thành cụm từ “phạm tội” cho đúng với bản chất của hành vi phạm tội do chủ thể có thẩm quyền thực hiện trong từng giai đoạn tương ứng khác nhau (điều tra, truy tố, xét xử).

Minh chứng điển hình là trong vụ án N.C. khi một bị cáo nguyên là một cán bộ trong ngành kiểm sát đã từng tranh luận với Hội đồng xét xử về tội danh quy định tại Điều 293 Bộ luật hình sự, đã nêu đại ý như sau - Hội đồng xét xử (Tòa án) đã đưa những bị can mà tôi đã quyết định đình chỉ điều tra ra xét xử đâu mà biết là họ có tội hay không, chưa biết họ có tội hay không có tội mà bảo “tôi” phạm tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội.” Bởi vì, Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định: Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (!).

Thuật ngữ “người phạm tội” dùng để chỉ một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm và người thực hiện hành vi đó bị coi là chủ thể của tội phạm (phạm tội là động từ), nhưng có hai khả năng - họ có thể là “người có tội”, nhưng cũng có thể không phải là “người có tội.”

Trong khi đó, thuật ngữ “người có tội” cũng được sử dụng để xác định một người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm, nhưng thu hẹp hơn với người phạm tội - với họ đã có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của tòa án (có tội là tính từ).

Do đó, nhằm thực hiện tốt các quy định của Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự, chúng tôi cho rằng, tên tội danh và nội dung trong hai điều luật trên trong Bộ luật Hình sự nên sửa đổi như sau:

“Điều 293 - Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không phạm tội
1. Người nào có thẩm quyền mà truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là không phạm tội, thì...”.

“Điều 294 - Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội
1. Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là phạm tội, thì...”.

Suy đoán vô tội là một nguyên tắc văn minh, tiến bộ trên thế giới và trong pháp luật của nhiều quốc gia. Việc hoàn thiện các nội dung cơ bản của nó và bảo đảm tính thống nhất liên thông trong Hiến pháp, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự không chỉ có ý nghĩa chính trị, xã hội và pháp lý quan trọng, mà còn là “lá chắn thép” trong việc phòng, chống oan, sai, tôn trọng và bảo vệ các giá trị cao quý của con người. Đặc biệt, qua đó còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng Tố tụng hình sự trước số phận chính trị, danh dự, nhân phẩm và quyền lợi của công dân, họ vẫn có quyền và nghĩa vụ do Hiến pháp và pháp luật cho đến khi có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục