GPE muốn đầu tư 85 triệu USD xây trường học mới

Quỹ hợp tác toàn cầu về giáo dục mong muốn hợp tác, đầu tư 85 triệu USD xây dựng mô hình trường học mới ở Việt Nam trong 3 năm tới.
Ông Robert Prouty, Giám đốc Quỹ hợp tác toàn cầu về giáo dục (GPE) cho biết Quỹ này mong muốn được hợp tác và đã tính toán dựa trên cơ sở chi phí, nhu cầu giáo dục đã lên kế hoạch dành nguồn quỹ 85 triệu USD để xây dựng mô hình trường học mới ở Việt Nam trong vòng ba năm tới.

Tuy nhiên, vấn đề này phải thực hiện theo lộ trình và quyết định phụ thuộc vào phía Việt Nam trong việc xây dựng dự án khả thi, qua đó GPE mới có cơ sở cấp kinh phí trong thời gian tới.

Trong quá trình làm việc, thăm quan các cơ sở giáo dục ở các tỉnh, thành phố Quỹ nhận thấy phía Việt Nam đang thực hiện lộ trình và hợp tác rất tốt.

Ông Robert Prouty cho biết GPE là sự tập hợp ủng hộ và tài trợ của các cá nhân, tổ chức ở 20 nước và đã có 50 quốc gia được hưởng lợi.

Mỗi năm Quỹ cấp 500 triệu USD không hoàn lại và năm nay con số này sẽ lên đến 700 triệu USD cho giáo dục.

Ông Robert Prouty cho biết thêm GPE cung cấp các nguồn tài trợ để các nước đạt được mục tiêu chuẩn giáo dục nhưng sẽ ưu tiên cho các đối tượng khó khăn trước. Quỹ được tiếp cận từ dưới lên, các trường được coi là đối tượng trực tiếp, nên trách nhiệm giải trình phải từ cấp trường.

GPE mong muốn được nghe các đại biểu nói về thách thức, kinh nghiệm, chia sẻ khó khăn và rút ra bài học thực tiễn trong vòng ba năm tới nhằm đóng góp vào sự thành công cho nền giáo dục Việt Nam. Trong vòng tám năm qua, GPE đã giúp được 50% tỷ lệ dân số đến trường ở các nước hưởng lợi.

Ông Robert Prouty đánh giá giáo dục Việt Nam hiện nay đang còn tồn tại khá nhiều bất cập, nhất là chương trình đào tạo còn ngắn. Trẻ em vùng khó khăn đang chịu nhiều thiệt thòi cần được quan tâm trong vấn đề giáo dục.

Theo dự kiến các đối tượng được hưởng lợi từ GPE sẽ ở tất cả các vùng khó khăn trong cả nước, nhưng tập trung ưu tiên 20 tỉnh khó khăn nhất. 22 tỉnh có điều kiện thuận lợi hơn sẽ được chọn mỗi tỉnh một trường và các tỉnh còn lại sẽ tùy điều kiện cụ thể để xem xét phân bổ.

Mô hình trường học mới sẽ có phương thức sư phạm mới mang tính chuyển đổi từ phương pháp dạy học truyền thống sang phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm.

Giáo viên không chỉ truyền thụ kiến thức có sẵn mà trở thành quá trình tổ chức cho học sinh hoạt động, để khám phá và chiếm lĩnh các kiến thức kỹ năng mới. Có nghĩa là dạy học đã chuyển từ giáo viên giảng dạy, học sinh ghi nhớ sang giáo viên tổ chức học tập học sinh hoạt động tích cực.

Bản chất của quá trình học tập VNEN được diễn ra thông qua đối thoại và tương tác lẫn nhau giữa học sinh với học sinh và với giáo viên. Học tập mang tính hợp tác và phù hợp với từng cá nhân của học sinh.

Các tỉnh Lào Cai, Kon Tum... đang thực hiện thí điểm và cho kết quả rất tốt từ mô hình này ở Việt Nam./.

Nguyễn Văn Cảnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục