Grab ‘mua đứt’ Uber liệu có phải nộp thay khoản thuế 53,3 tỷ đồng?

Grab ‘mua đứt’ Uber liệu có phải nộp khoản thuế 53,3 tỷ đồng?

Liên quan đến việc khó truy thu khoản thuế 53,3 tỷ đồng của Uber, sau khi Grab “thâu tóm” Uber thì doanh nghiệp này có phải chịu trách nhiệm và nghĩa vụ về thuế của Uber hay không?
Grab ‘mua đứt’ Uber liệu có phải nộp khoản thuế 53,3 tỷ đồng? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Liên quan đến việc khó truy thu khoản thuế 53,3 tỷ đồng của Uber bởi Công ty này hiện không còn tồn tại ở Việt Nam, câu hỏi đặt ra sau khi Grab “thâu tóm” Uber thì doanh nghiệp này có phải chịu trách nhiệm và nghĩa vụ về thuế của Uber hay không?

Về vấn đề này, đại diện Grab khẳng định, Grab không liên quan đến khoản tiền mà Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh đang truy thu Uber.

[Uber rời khỏi Việt Nam, ngành thuế loay hoay truy thu 54 tỉ đồng]

“Đây là vấn đề thuộc về trách nhiệm của Uber. Grab không mua lại tư cách pháp nhân của Uber tại Việt Nam, đơn vị phải chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý giải quyết các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế tại Việt Nam. Do đó, chúng tôi xin phép không đưa ra thêm bất kỳ bình luận gì liên quan đến vấn đề này," đại diện Grab nhấn mạnh.

Phía Grab cũng lưu ý mọi thắc mắc liên quan đến nghĩa vụ thuế của Uber, xin vui lòng liên lạc với Giám đốc Chính sách và Truyền thông Uber châu Á-Thái Bình Dương.

Trước đó, Uber B.V đã chính thức rút khỏi Việt Nam từ hôm 8/4 vừa qua. Hiện, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh đang không thể cưỡng chế truy thu 53,3 tỷ đồng thuế của Uber B.V vì đang bị doanh nghiệp này kiện ra tòa.

Ngay cả trong trường hợp Tòa tuyên Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh thắng kiện, cơ quan thuế cũng khó mà truy thu thuế của Uber B.V bởi doanh nghiệp này không có tài khoản ngân hàng cũng như văn phòng đại diện ở Việt Nam.

Tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm nay của Tổng cục Thuế vào ngày 20/7 vừa qua, Cục trưởng Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh Trần Ngọc Tâm cho hay, Toà án hiện đang thụ lý vụ việc nhưng khả năng khó có thể thu hồi khoản nợ thuế này.

"Một vấn đề lúng túng xin Tổng cục Thuế hỗ trợ là quản lý thu thuế Uber. Hiện Uber không còn tồn tại ở Việt Nam, nên không thể thực hiện thu thuế được. Tòa án thì đang thụ lý nhưng cũng không biết lúc nào thì xử lý," ông Tâm cho biết.

Được biết, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng cục Thuế đã nhiều lần có văn bản “đòi nợ”, thậm chí có biện pháp mạnh mà Uber vẫn không trả.

[Vụ truy thu thuế Uber 67 tỷ đồng: Vẫn phải đợi rà soát quy định]

Cũng tại cuộc họp báo Chính phủ vào đầu tháng Hai năm nay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai thông tin, phía Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi nhiều ngân hàng như Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank),… đề nghị khấu trừ toàn bộ số tiền chuyển vào tài khoản của Uber mở tại các ngân hàng để cưỡng chế thuế.

Tuy nhiên, vấn đề theo Thứ trưởng là phía Uber không mở tài khoản tại ngân hàng Việt Nam nên việc Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh chưa thể áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản theo quy định. Thứ trưởng cũng khẳng định Bộ Tài chính đang rà soát hướng dẫn về pháp lý cho Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh để đơn vị này thực hiện.

Vào ngày 8/4 vừa qua, Grab vừa công bố đã chính thức "mua đứt" Uber tại thị trường Đông Nam Á, ứng dụng đặt xe Uber sẽ hoàn toàn biến mất trên thị trường Việt Nam từ ngày 8/4. Công ty đặt trụ sở ở Mỹ này sẽ nhận 27,5% cổ phần trong Grab.

[Mua lại Uber: Grab khẳng định thị phần tại Việt Nam dưới 30%?]

Vụ sát nhập này được diễn ra sau khi Softbank Group của Nhật Bản đầu tư hàng tỷ USD vào Uber. Softbank là cổ đông lớn của các hãng cung cấp ứng dụng dịch vụ xe thuê, bao gồm Grab, Uber, Didi Chuxing của Trung Quốc và Ola của Ấn Độ.

Grab cho biết hãng này sẽ tiếp quản các hoạt động và tài sản của Uber tại 8 nước Đông Nam Á mà Uber hiện diện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục