GS.TS Vương Đình Huệ: Kinh tế 2014 sẽ đột phá về thể chế

"Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tạo dựng các thể chế khơi thông nguồn lực, giải phóng lực lượng sản xuất để phát triển, như vậy sẽ có sự lan tỏa ra các đột phá khác."

Kinh tế Việt Nam khép lại năm 2013 với những dấu ấn đáng ghi nhận, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được đẩy lùi… Tuy nhiên “bức tranh” toàn cảnh cho thấy còn ẩn chứa nhiều thách thức bước sang năm mới 2014.

Giáo sư, tiến sĩ Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã dành cho Vietnam+ cuộc trao đổi về triển vọng và công việc tiếp theo của Việt Nam trong năm tới.

Chính sách đúng hướng

- Thưa ông, năm 2013 khép lại với những dấu ấn khá tích cực trong các chỉ tiêu kinh tế cơ bản về ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng vẫn còn tiềm ẩn những thách thức. Với cương vị là một ban tham mưu của Đảng về các đường lối, chính sách liên quan đến kinh tế, ông nhận định thế nào về những thách thức này?

Ông Vương Đình Huệ: Khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới từ năm 2008 để lại hậu quả nặng nề hơn mức dự báo. Do đó, bước sang đầu năm 2011, chúng ta đã bắt đầu gặp phải những vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô.

Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chính sách, khởi đầu là Nghị quyết số 11-NQ/CP của Chính phủ (24/2/2011) đã chuyển trọng tâm chính sách sang tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định an sinh xã hội.

Cho đến nay, chúng ta phải khẳng định những điều chỉnh khi đó của Đảng và Nhà nước ta là cần thiết, quan trọng, đúng hướng và tạo tiền đề cho đất nước từng bước vượt qua khủng hoảng.

Trong ba năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã hết sức nỗ lực điều hành nền kinh tế, mặc dù một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tuy không đạt, nhưng so với mục tiêu mà chúng ta điều chỉnh theo Kết luận 02-KL/TW ngày 16-3-2011 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 59 của Quốc hội, Nghị quyết Hội nghị Trung ương ba thì chúng ta đã đạt được những thành tích căn bản, tích cực, rất đúng hướng.

Những kết quả đó có thể nhìn nhận ở ba điểm then chốt là chúng ta đã ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế có cố gắng.

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là một nỗ lực đáng ghi nhận của chúng ta, trong đó rõ nét nhất là đã kiềm chế lạm phát năm sau thấp hơn năm trước, từ mức 18,3% năm 2011 xuống khoảng 6% như hiện nay, là mức thấp nhất trong 10 năm qua. Tuy vậy, có một số ý kiến cho rằng sở dĩ lạm phát không tăng được là do tổng cầu yếu.

GS.TS Vương Đình Huệ: Kinh tế 2014 sẽ đột phá về thể chế ảnh 1Tăng trưởng GDP của Việt nam ba năm qua đạt ở mức bình quân 5,6%. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh một điều rằng, nếu không có một chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa và tiền tệ đúng hướng thì làm sao đạt được kết quả như vậy, nhất là trong điều kiện Việt Nam chịu rất nhiều tác động về vấn đề lạm phát, cả về cầu kéo cũng như việc một số mặt hàng chiến lược và một số dịch vụ công cơ bản trước đây neo ở mức giá thấp, bây giờ tiến tới phải theo nguyên tắc thị trường...

Tăng trưởng ba năm qua đạt ở mức bình quân 5,6%, riêng năm nay đến thời điểm này cũng đạt 5,4%, cao hơn mức 5,25% của năm trước. Lãi suất giảm mạnh, thanh khoản ngân hàng, xuất khẩu tăng trưởng, thu hút ODA, FDI, cán cân thanh toán tổng thể khả quan, dự trữ ngoại hối tăng.

Trong điều kiện đất nước có nhiều khó khăn cộng với ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, tác động mạnh của suy thoái toàn cầu khiến những yếu kém của nền kinh tế bộc lộ rõ nét, mức tăng trưởng như vậy được cho là cố gắng.

Đồng thời với ổn định kinh tế vĩ mô, chúng ta đã triển khai một cách khá toàn diện và đồng bộ các vấn đề liên quan đến tái cấu trúc nền kinh tế và đã đạt được thành tích bước đầu.

Mạnh mẽ tái cơ cấu ngành


- Quan điểm của ông về một chặng đường thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế? Đâu là nút thắt cơ bản và đâu là những cơ hội mà chúng ta có thể tận dụng để tái cơ cấu thành công?

Ông Vương Đình Huệ: Hội nghị Trung ương 3 khóa XI (tháng 10-2011) đã xác định vừa tái cấu trúc nền kinh tế một cách tổng thể, vừa xác định khâu trọng tâm đột phá, tái cơ cấu về đầu tư công, tái cơ cấu về hệ thống tài chính ngân hàng, tái cấu trúc về doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài các yếu tố trọng điểm, Kết luận của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu triển khai tổng thể Đề án tái cơ cấu nền kinh tế và nhấn mạnh tiếp tục hoàn thiện tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế và các đề án thành phần đồng thời triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Với vai trò vừa là thành viên của Ban chỉ đạo đồng thời là cơ quan thẩm định Báo cáo trình các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Ban Kinh tế Trung ương sắp tới sẽ đưa ra những đóng góp và quyết sách mới về vấn đề tam nông, vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp .

GS.TS Vương Đình Huệ: Kinh tế 2014 sẽ đột phá về thể chế ảnh 2Ban Kinh tế Trung ương sẽ đưa ra những đóng góp và quyết sách mới về vấn đề tam nông. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Có thể nói, cái được của năm 2013 là đã tập trung cơ cấu ngành. Đề án tái cơ cấu phân khúc thành nhiều nhánh, tái cơ cấu khu vực, tái cơ cấu đầu tư công, hệ thống tài chính,… chuyển đổi phương thức ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng tăng trưởng, thích ứng với biến đổi khí hậu, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; tháo nút thắt điểm nghẽn của nền kinh tế, giải quyết vấn đề tồn kho, nợ xấu, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, vừa lo xây dựng nền móng dài hạn, vừa giải quyết vấn đề thách thức trước mắt.

Sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản VAMC là giải pháp cần thiết để giải quyết nhanh nợ xấu tại khu vực ngân hàng, tạo điều kiện cho ngành ngân hàng tiếp tục cho vay, đưa tín dụng ra nền kinh tế. Tới đây, chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình này.

Một cái được rõ nét nữa là trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nhưng chúng ta vẫn tập trung cho công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội… An sinh xã hội năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước, ước đạt 21-23% ngân sách. Thành tích này được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao. Đây cũng là những gợi mở tạo cơ hội để chúng ta có thể tận dụng tái cơ cấu thành công.

Song cũng phải nhìn nhận một số cái chưa được, như các chỉ tiêu GDP chưa đạt được mục tiêu, tổng đầu tư toàn xã hội, việc làm, kinh tế vĩ mô phục hồi nhưng chưa vững chắc, lạm phát được kiềm chế nhưng vẫn có nguy cơ tăng trở lại trong thời gian tới, hoạt động tái cấu trúc nguồn lực thực vẫn còn hạn chế, tái cơ cấu tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm và gặp nhiều khó khăn, nợ xấu có giảm nhưng vẫn còn cao.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, số doanh nghiệp giảm hoạt động còn tăng, ảnh hưởng đến đời sống việc làm của người lao động.

Xác định trọng tâm nguồn vốn là “con người”

- Giai đoạn “đổi mới”, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách mang tính đột phá, theo đó là sự cải thiện về môi trường kinh doanh, kích hoạt sản xuất tạo ra đà tăng trưởng mạnh mẽ.

“Niềm tin và sự đồng thuận” là nhân tố đầu tiên quyết định sự thành bại của các cuộc cải cách, xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

Ông Vương Đình Huệ: Về vấn đề này Ban Kinh tế Trung ương đã có những nghiên cứu và đề xuất. Phải chăng đột phá cải cách thể chế, hành chính là một trong những trọng tâm đột phá chiến lược. Bởi đột phá này không đòi hỏi lớn nguồn vốn vật chất, chỉ đòi hỏi “vốn con người”.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tạo dựng các thể chế khơi thông nguồn lực, giải phóng lực lượng sản xuất để phát triển, như vậy sẽ có sự lan tỏa ra các đột phá khác.

Để làm được điều đó, phải triệt để tăng cường cải cách thể chế hành chính, tạo động lực nhưng phải có áp lực trách nhiệm đối với các cơ quan thực thi chính sách, giao việc cần cụ thể, rõ ràng, xác định rõ người chịu trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, thời điểm hoàn thành, định tính, định lượng, tuyệt đối không dễ dãi, bao biện, từ đó mới tạo được niềm tin cho người dân.

Tăng cường cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, sao cho nhanh, rõ ràng, minh bạch… chắc chắn, tình hình kinh tế - xã hội năm tới sẽ tốt hơn rất nhiều.

Đối với tái cơ cấu nền kinh tế, cần đặt mục tiêu 2015 phải có kết quả cụ thể về tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Tới đây vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn của các tập đoàn chắc chắn sẽ nhanh hơn.

Trước đây làm theo nguyên tắc thị trường nhưng phải bảo toàn vốn nhà nước, rất khó thực hiện trong thực tế. Công thức thoái vốn, cổ phần hóa mới là theo nguyên tắc thị trường đảm bảo minh bạch và hiệu quả./.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục