Guinea Bissau: Cân nhắc thời gian chuyển quyền lực

Thời hạn quân đảo chính chuyển giao quyền lực trong hai năm trước khi tổng tuyển cử chỉ là "đề xuất" chứ chưa phải chính thức.
Ngày 21/4, lực lượng đảo chính tại Guinea Bissau cho biết thời hạn chuyển giao quyền lực trong hai năm trước khi tiến hành tổng tuyển cử tại nước này mới chỉ dừng ở "đề xuất" chứ chưa phải là "một thông báo chính thức."

Đại diện quân đội, trung tá Daba Da Walna, cho biết thời hạn 2 năm chỉ là một sự tham khảo đối với quá trình chuyển giao quyền lực cho phe dân sự tại nước này. Về số phận của Tổng thống lâm thời Raimundo Pereira và Thủ tướng Carlos Gomes, ông Walna cho biết hai chính khách này sẽ được trả tự do khi tình hình an ninh cho phép.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu chính quyền quân sự tại quốc gia Tây Phi này không giải tán và trao trả quyền lực cho phe dân sự.

Cơ quan quyền lực cao nhất của Liên hợp quốc tiếp tục lên án mạnh mẽ vụ đảo chính quân sự tại Guinea Bissau, đồng thời yêu cầu nước này nhanh chóng ổn định cũng như khôi phục chính phủ hợp pháp.

Hội đồng Bảo an cũng bác bỏ việc chính quyền quân sự và những tổ chức ủng hộ thành lập một hội đồng chuyển tiếp tại nước này đồng thời đề nghị trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Tổng thống lâm thời Pereira, Thủ tướng Gomes và tất cả các quan chức đang bị giam giữ. Tuyên bố của Hội đồng Bảo an cũng nêu rõ những cá nhân chịu trách nhiệm đối với các hành động trái pháp luật cần phải bị xử lý.

[AU đình chỉ tư cách thành viên của Guinea Bissau]

Giới quan sát nhận định phát biểu trên về thời hạn chuyển giao quyền hạn của lực lượng quân sự tiến hành đảo chính tại Guinea Bissau là nhằm xoa dịu những quan ngại của cộng đồng quốc tế về giai đoạn quá độ kéo dài tại nước này.

Trước đó, ngày 18/4, các thủ lĩnh nhóm binh sỹ đảo chính và liên minh 19 đảng đối lập ký thỏa thuận về việc giải tán chính phủ và thành lập một Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp như một cơ quan lập pháp để giám sát tiến trình chuyển giao dân chủ tại nước này. Hai bên cũng đã nhất trí về một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 2 năm trước khi tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 21/4, cựu Phó Chủ tịch Quốc hội Guinea Bissau, ông Manuel Sherifo Nhamadjo, đã lên tiếng phản đối việc 19 đảng đối lập và Bộ chỉ huy quân đội chỉ định ông làm Tổng thống chính phủ chuyển tiếp của Guinea Bissau. Ông khẳng định đã không được "hỏi ý kiến trước" và sẽ không chấp nhận việc chỉ định nói trên. Chính khách này tuyên bố không chấp nhận bất kỳ thể chế nào được thành lập ngoài vòng pháp luật.

Vụ đảo chính tại Guinea Bissau diễn ra tối 12/4 vừa qua khi các binh sỹ quân đội tấn công dinh thự của Thủ tướng Gomes, chiếm giữ trụ sở của đảng cầm quyền và đài phát thanh quốc gia, bắt giữ Tổng thống lâm thời Pereira và ông Gomes - người đã vượt xa 8 ứng cử viên còn lại để giành được 49% số phiếu ủng hộ trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống hôm 18/3 vừa qua, và có nhiều triển vọng sẽ giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vòng hai dự kiến diễn ra vào ngày 29/4 tới.

Từ "đảo chính" vốn không hề xa lạ ở quốc gia Tây Phi 1,6 triệu dân này sau khi Guinea Bissau thoát khỏi ách đô hộ của Bồ Đào Nha năm 1974. Không tổng thống nào tại vị được hết nhiệm kỳ. Các vụ mưu sát giới chính trị gia xảy ra khá thường xuyên tại quốc gia này, trong đó có vụ mưu sát cựu Tổng thống Nino Vieira tháng 3/2009.

Tình hình tại Guinea Bissau gia tăng bất ổn từ khi Tổng thống Malam Bacai Sanha, 64 tuổi - trụ cột thực sự của chính quyền Guinea Bissau và là người nắm giữ vai trò trung gian hòa giải giữa Thủ tướng Gomes và quân đội, qua đời hôm 9/1/2012 do bệnh nặng, khiến nước này phải tổ chức bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, phe đối lập không công nhận kết quả sơ bộ vòng một cuộc bầu cử mà Ủy ban bầu cử quốc gia công bố./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục