Hà Giang: Giúp người dân giảm nghèo từ chè Shan

Với đồng bào Dao ở Hà Giang, dự án chè Shan vừa được triển khai ở đây đang giúp hàng trăm người có cái ăn cái mặc và cả "cái chữ."

Chiếc xe chuyên dụng của mấy khách miền xuôi vẫn gồng mình hồng hộc leo lên con dốc dựng đứng. Mười bảy cây số từ phố huyện lên xã Cao Bồ (huyện Vị Xuyên, Hà Giang) vốn không thể gọi là đường bây giờ mưa xuống lại có thêm một lớp bùn đặc quánh bám chặt lấy bánh xe.

Hai tiếng đồng hồ vừa đi vừa xóc u đầu ấy, gã lái xe bản địa tên Thán thao thao kể cho đoàn khách lạ mặt đủ thứ chuyện. Thế nhưng, chuyện mà Thán nhắc đi nhắc lại chẳng biết chán là việc đời sống bà con xã Cao Bồ, một trong những nơi nghèo nhất của huyện Vị Xuyên bây giờ đã khá hơn trước nhiều lắm. “Dự án chè mới được triển khai ở xã làm cho đời sống bà con sướng lắm,” Thán thật thà bắt đầu câu chuyện. Đoạn trường chè Shan về phố huyện Nhìn ra khúc cua lởm chởm đá hộc, Thán bảo, con đường này chỉ dọa được đám khách đường xa lên chơi. Với bà con dân tộc Dao ở Cao Bồ, có đường đã là tốt lắm. Ngày trước, mỗi vụ chè đến, bà con còn phải mò mẫm theo triền núi cả buổi mới xuống được huyện bán chè. Công sức đi lại đã đành, chuyện được giá hay không còn tùy vào vận may. Thế nên, đã bao năm rồi, đời sống của mấy trăm hộ xã Cao Bồ, nhà nào khá lắm vẫn chỉ dừng ở mức đủ ăn. Thán bảo, hàng chục đời nay, người dân xã Cao Bồ đều sống dựa cả vào giống chè Shan trăm tuổi. Nếu so sánh với nhiều vùng miền núi khác, giống chè ở Hà Giang đều đáng tuổi lão tổ. Chẳng kể đến những lão chè nghìn năm tuổi vốn nổi danh khổng lồ vì to bằng cả gian nhà, tùy ý đưa mắt khắp dãy Tây Côn Lĩnh, gốc chè trăm năm nhiều không đếm xuể. “Có giống chè tốt nhưng bà con thường chỉ tùy tiện hái, không theo quy chuẩn nào rồi mạnh ai nấy bán, những năm được giá còn đỡ, nếu không thì rẻ như cho,” Thán lắc đầu. Nhớ lại vụ chè cách đây hai năm, Bàn Văn Thỉnh, người dân tộc Dao, cứ tần ngần mãi. Nhà Thỉnh có 3 ha chè Shan. Với mức giá khoảng 6.000-7.000 đồng/kg, hơn 1 tạ chè tươi Thỉnh hái mỗi vụ được có giá gần 1 triệu đồng. Một năm 3-4 vụ như thế, cả nhà 6 miệng ăn nhà Thỉnh thu được khoảng vài triệu đồng. Thỉnh bảo, cầm được số tiền ấy, trụ cột trong nhà như anh vất vả hơn nhiều. Ngày ấy, hái chè chỉ là công đoạn đơn giản nhất. Toát mồ hôi xao chè xong, Thỉnh lại lọ mọ xuống dưới huyện tìm người mua. Con đường xuống huyện bây giờ tuy xấu tới mức không thể xấu hơn nhưng ít ra còn có lối để đi lại. Ngày trước, người Cao Bồ muốn xuống xuôi phải gùi chè đi bộ men theo triền núi mất cả buổi mới tới nơi. Sức Thỉnh mỗi lần gùi chè được vài chục cân, cứ sáng đi tối về như thế cũng phải cả tuần mới hết số chè trong nhà. “Hàng bán được nhưng không ổn định, có những vụ chỉ bán được một nửa giá. Thế nên, gạo thì đủ ăn nhưng tiền mua thức ăn và chi tiêu thì khó lắm,” Thỉnh cười bảo. Cái ăn cái mặc không đủ, người Cao Bồ cũng chẳng có tâm trí nghĩ đến việc đi học. Chỉ tay về phía rừng chè ngút tầm mắt, Tráng Văn Lập, bí thư chi bộ thôn Thác Tăng, xã Cao Bồ bảo, bọn trẻ trong thôn cố lắm cũng chỉ học hết cấp 2 rồi theo bố mẹ lên đồi hái chè và… tính chuyện dựng vợ, gả chồng. Lập cũng bẽn lẽn mà rằng, Lập thèm cho con đi học cấp 3 dưới huyện nhưng không có tiền. Tiền học đã đành, những chi phí ăn uống, đi lại Lập gánh không nổi với gia đình 5 miệng ăn của mình. Tất cả những khó khăn ấy khiến thông tin về dự án chè Shan của công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Cường dưới sự giúp sức của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) được triển khai ở Cao Bồ cách đây ít lâu khiến mấy trăm hộ dân rẻo cao vui như hội. Hơn một năm kể từ ngày thực hiện, đời sống bà con Cao Bồ đang có nhiều đổi khác. Không chỉ là xóa đói giảm nghèo? Nói về dự án chè Shan, ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Hùng Cường kể, ý tưởng của dự án là tập hợp hơn 640 hộ nông dân ở xã Cao Bồ và phân thành 11 tổ. Ở mỗi tổ, trưởng thôn là người đứng ra làm việc với doanh nghiệp để tiến hành thu mua. Doanh nghiệp cũng cử người xuống tận thôn hướng dẫn nông dân cách trồng và thu hoạch chè đúng cách, cho sản lượng cao. Ngoài ra, thay bằng việc gánh gùi chè xuống huyện, phía doanh nghiệp sẽ có ôtô về tận từng điểm thu mua để vận chuyển. Và, ông Hùng cũng hào hứng bảo, từ ngày dự án chính thức hoạt động, đồi chè ở Cao Bồ đã khác trước nhiều. Người vui nhất chính là những gia đình như Tráng Văn Lập. Lập kể, những ngày đầu hái chè theo cách mới đòi hỏi tỉ mỉ hơn trước nhiều. Thế nhưng, khi đã quen, lại thấy cho búp chè non cứ đua nhau mọc mới, Lập mới ngã ngửa vì thấy đồi nhà mình hái được nhiều hơn hẳn trước kia. Lập cười mà mắt cứ nhảy nhót: “Năm ngoái cả nhà được15 triệu đồng. Đầu năm nay cũng được 1,7 tấn, tức là khoảng 12 triệu đồng. Nếu giá cả ổn định, tính đến cuối năm chắc cũng được khoảng 25 triệu đồng.” Thế nhưng, điều vui nhất với anh Bí thư Đảng ủy thôn Thác Tăng là đứa con trai thứ hai nhà anh đã được học lên lớp 10. Lập bảo, cả xã Cao Bồ, nếu tính cả con nhà mình thì cũng chỉ có ba đứa được học cao đến thế. Theo dự án từ những ngày đầu tiên, anh Đào Việt Dũng, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á tổng kết, thu nhập từ chè của các nông hộ tham gia dự án tăng trung bình trên 130%. Theo anh Dũng, số tiền hỗ trợ với doanh nghiệp ở Hà Giang không nhiều (khoảng hơn 200.000 USD) nhưng điều này giúp tạo động lực cho những ý tưởng mới. Các doanh nghiệp khi triển khai dự án mới như dự án chè Shan thường gặp khó trong chuyện đi vay vốn và số tiền của ADB sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn ban đầu. Và, điều làm anh Dũng tâm đắc nhất là việc có thể giúp người dân nghèo như ở Cao Bồ chủ động và có trách nhiệm trong việc sản xuất. “Chúng ta thường hỗ trợ người  nghèo bằng chính sách nhưng chúng tôi thì trao quyền năng cho người dân, làm sao người dân được tham gia vào chuỗi giá trị. Như vậy, chúng ta không chỉ là xóa đói giảm nghèo mà còn tạo động lực phát triển kinh tế vùng,” anh Dũng nói.
Dự án chè Shan ở Hà Giang là một trong 7 dự án đang được Quỹ Thách thức (VCF) tài trợ. Quỹ tài trợ này là một phần của Dự án Nâng cao Hiệu quả Thị trường cho Người nghèo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hỗ trợ. Quỹ được thiết kế để kêu gọi những đề xuất mô hình kinh doanh mới sáng tạo từ khu vực tư nhân nhằm thu hút và mang lại lợi ích cho người nghèo, trên cơ sở bền vững và có thể nhân rộng.

Những dự án của VCF được kỳ vọng sẽ mang lại những lợi ích cho người nghèo trong vai trò là người sản xuất, người lao động, người chế biến và người bán lẻ. Những dự án thành công có thể là mô hình kinh doanh mẫu có khả năng áp dụng và quy mô lớn hơn nhiều trên khắp Việt Nam.
Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục