Hà Giang: Hàng loạt ''công trình ánh sáng'' hoạt động trong... ''tối''

Hàng chục công trình thủy điện ở Hà Giang dù đã hòa lưới điện quốc gia nhiều năm nhưng không ít công trình hiện nay vẫn thiếu hàng loạt giấy tờ pháp lý.
Hà Giang: Hàng loạt ''công trình ánh sáng'' hoạt động trong... ''tối'' ảnh 1Việc tích nước để phát điện mà không tuân thủ việc duy trì dòng chảy đã dẫn đến hiện tượng những đoạn sông, suối bị trơ đáy. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trong suốt hơn một thập kỷ qua, hàng chục công trình thủy điện ở tỉnh Hà Giang đã được hòa lưới điện quốc gia. Vậy nhưng, ngoài việc mang lại những nguồn thu cho doanh nghiệp và đóng góp phần nào cho ngân sách nhà nước, rất nhiều công trình “ánh sáng” lại hoạt động khi thiếu hàng loạt giấy tờ pháp lý cũng như các quy định bắt buộc trong hoạt động điện lực.

Điều đáng nói là dù hàng loạt sai phạm liên quan đến các vấn đề trên đã được chỉ ra, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Phát điện 10 năm không giấy phép…

Nằm ở khu vực vùng núi cao phía Bắc lãnh thổ Việt Nam, tỉnh Hà Giang có hàng loạt sông, suối với độ dốc tương đối lớn được xem là tiềm năng cho việc phát triển công nghiệp thủy điện, giúp kích thích phát triển sản xuất, tiêu dùng, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững...

Tận dụng lợi thế nguồn thủy năng dồi dào trên, đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã phê duyệt 71 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy lên tới hơn 1.000MW. Trong đó, riêng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang phê duyệt quy hoạch 46 dự án.

Theo báo cáo số 522/BC-UBND về tình hình thực hiện các dự án thủy điện, vừa được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang ký ban hành ngày 3/12/2019, hiện toàn tỉnh có 32 nhà máy thủy điện đang phát điện vào lưới điện Quốc gia với tổng công suất lắp máy là 634,8MW thuộc 25 doanh nghiệp quản lý khai thác bán điện.

Các dự án thủy điện đang vận hành phát điện cơ bản ổn định, đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; là thành phần quan trọng trong việc thu ngân sách ổn định cho tỉnh.

[Thống nhất điều chỉnh chế độ vận hành xả nước của các hồ đập thủy điện]

Tuy vậy, bên cạnh những lợi ích đã đạt được, việc nóng vội trong việc đầu tư phát triển như “làm trước, xin sau,” hay chạy theo lợi nhuận, đánh đổi tài nguyên - môi trường lấy kinh tế, cũng đã và đang khiến ngành công nghiệp thủy điện của tỉnh Hà Giang phát sinh nhiều “khoảng tối” bất cập kéo dài chưa được giải quyết triệt để.

Không những thế, việc phát triển “quá dày” các nhà máy thủy điện (trung bình mỗi dòng sông “cõng” 4-6 nhà máy thủy điện), đã khiến các dòng sông gần như ngưng chảy, dòng nước cuồn cuộn ngày nào đã bị ngăn lại thành những hồ đập để phục vụ cho việc phát điện, khiến hạ du trở thành những đoạn “sông chết.”

Ngay trong báo cáo số 522 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang cũng đã chỉ ra hàng loạt tồn tại của các nhà máy thủy điện như: Không duy trì dòng chảy tối thiểu; không cắm mốc giới; chưa phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; chưa lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát khai thác tài nguyên nước; vận hành phát điện nhưng chưa có giấy phép khai thác nước mặt…

Có thể kể đến một loạt các nhà máy thủy điện đã đi vào vận hành, phát điện nhưng chưa tuân thủ các quy định theo giấy phép như: Nhà máy thủy điện Sông Bạc, Sông Lô 4, Bắc Mê, Nho Quế 2, Nho Quế 1, Thái An, Sông Miện, Sông Chừng, Sông Miện 5, Thuận Hòa, Sông Chảy, Thanh Thủy 1, Thanh Thủy 2, Nậm Mạ 1, Sông Miện (Bát Đại Sơn), Sông Lô 2…

Ngay cả những nhà máy thủy điện có công suất lắp máy lớn như Nhà máy thủy điện Thái An (82 MW); Nhà máy Thủy điện Nho Quế 3 (110 MW) cùng phát điện từ năm 2012 nhưng đến nay cũng chưa phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; không duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập theo quy định.

Điều đáng quan tâm là không ít nhà máy thủy điện đã đi vào phát điện nhiều năm nhưng vẫn không có giấy phép khai thác nước mặt, để đảm bảo việc bảo vệ nguồn nước, cũng như đảm bảo nghĩa vụ thuế phí tài nguyên đối với nhà nước.

Đơn cử như Nhà máy thủy điện Thanh Thủy 2 (phát điện từ năm 2011), Nhà máy thủy điện Thanh Thủy 1 (phát điện từ năm 2017) do Công ty cổ phần thủy điện Thanh Thủy làm chủ đầu tư, nhưng đến nay, cả hai thủy điện này đều chưa có giấy phép khai thác sử dụng mặt nước mặt.

Hà Giang: Hàng loạt ''công trình ánh sáng'' hoạt động trong... ''tối'' ảnh 2Nhiều khúc sông bị ngăn khúc thành hồ đập "khổng lồ." (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Tương tự, một loạt thủy điện khác như Suối Sửu 1 phát điện từ năm 2013, hay Thủy điện Nậm Mạ 1 phát điện từ 2018; Thủy điện Sông Chảy 5 phát điện từ năm 2012, nhưng đến nay các nhà máy này cũng chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước mặt.

Phải xử lý theo quy định

Theo giới chuyên gia, việc doanh nghiệp đã đi vào phát điện nhưng chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước mặt là hành vi khai thác tài nguyên gần như trái phép. Bởi, thực tế này có thể dẫn đến việc gian lận trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước để tránh nghĩa vụ thuế, phí tài nguyên, cũng như “ăn gian” sản lượng.

Không những thế, giấy phép khai thác nước mặt còn quy định phải duy trì dòng chảy tối thiểu phía sau thân đập, để đảm bảo nguồn nước cho hạ du. Việc tư tích nước để phát điện mà không tuân thủ việc duy trì dòng chảy sẽ dẫn đến hiện tượng những đoạn sông, suối bị trơ đáy, người dân thiếu nước tưới tiêu, môi trường sinh thái bị ảnh hưởng. Đây cũng là tình trạng xảy ra phổ biến mà người viết đã chứng kiến ở nhiều đoạn sông trên địa bàn tỉnh Hà Giang, nhất là sông Lô, sông Miện…

Để làm rõ về những tồn tài nêu trên, ngày 12/12, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã liên hệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang nhưng không nhận được phản hồi.

Ngày 12/12, phóng viên đã đặt lịch làm việc với lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Hà Giang, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi dù tại thời điểm đến liên hệ, đại diện Sở này đề nghị phóng viên cung cấp thông tin và nói sẽ gửi nội dung trước ngày 17/12.

Tiếp theo, phóng viên đã liên hệ làm việc với đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngay khi tiếp nhận thông tin, ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước tỏ ra “bất ngờ” và cho rằng việc nhà máy thủy điện đã phát điện mà không có giấy phép khai thác sử dụng nước mặt như phản ánh thì “vô lý quá.”

“Nếu không có phép thì phải đề nghị tỉnh, sở kiểm tra, xử lý theo quy định,” ông Bẩy nhấn mạnh và cho rằng “không thể để tình trạng như thế.”

Với trường hợp nếu doanh nghiệp đã làm hồ sơ gửi lên Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, ông Bẩy quả quyết: “Nếu doanh nghiệp đã gửi hồ sơ, chờ xử lý thì hồ sơ phải đủ điều kiện pháp lý chứ không phải cứ gửi lên là chúng tôi phải cấp. Còn trường hợp vi phạm, đương nhiên là phải xử lý theo quy định pháp luật”./.

Theo báo cáo số 522/BC-UBND, hiện nay thẩm quyền cấp giấy phép khai thác nước mặt đối với nhà máy thủy điện có công suất trên 2,0MW thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; thẩm quyền cấp giấy phép Hoạt động điện lực cho nhà máy thủy điện có công suất 3,0MW thuộc Bộ Công thương. Tuy nhiên sau khi cấp phép các Bộ đều không quan tâm đến công tác hậu kiểm trong quá trình triển khai thực hiện của các đơn vị được cấp phép, dẫn đến những khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục