Hà Giang: Tổn thất tài nguyên rừng, ô nhiễm tăng vì khai thác mỏ

Thời gian qua, việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang khai thác mỏ trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có những tác động tiêu cực đến môi trường như khí bụi, ô nhiễm nguồn nước và làm hư hỏng đường quốc lộ.
Hà Giang: Tổn thất tài nguyên rừng, ô nhiễm tăng vì khai thác mỏ ảnh 1Hoạt động khai thác khoáng sản của một doanh nghiệp trên địa bàn xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương trong cả nước phải “đóng cửa” rừng tự nhiên kể từ năm 2014. Thế nhưng, tại Hà Giang, nhiều ha rừng, trong đó có cả rừng tự nhiên vẫn được bán đấu giá vào hồi tháng 3/2015, để lấy mặt bằng khai thác khoáng sản (quặng sắt) tại khu vực xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê.

Hoạt động khai thác khoáng sản này đã có những tác động tiêu cực đến môi trường sống của người dân khu vực, bởi khí bụi, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước, "băm nát" đường giao thông và gây tổn thất tài nguyên rừng.

"Đổi rừng"… lấy quặng

Thông tin từ Chi cục Lâm nghiệp Hà Giang cho biết, từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi gần 2.000 ha rừng để phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế mà chủ yếu là hoạt động khai thác khoáng sản và thủy điện, trong đó có hơn 1.300ha diện tích là rừng phòng hộ.

Riêng với khoáng sản, theo thống kê, tỉnh Hà Giang có 125 mỏ và điểm mỏ, với 28 loại khoáng sản khác nhau do Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Ủy ban ​Nhân dân tỉnh cấp phép cho 44 doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản. Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Minh Sơn (huyện Bắc Mê) đã có tới 5 công ty được cấp phép hoạt động khai thác với tổng diện tích 465,36 ha.

​Đến nay, tại xã Minh Sơn​, đã có 2 công ty đã đầu tư và đi vào hoạt động khai thác, sơ chế khoáng sản, đó là Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông (với diện tích 26,7 ha) và Công ty cổ phần khoáng sản Minh Sơn (12 ha); còn các công ty còn lại đang dừng ở mức hoạt động cầm chừng.

Theo báo cáo nghiên cứu của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Giang, để doanh nghiệp đi vào khai thác mỏ tại xã Minh Sơn, hồi tháng 3/2015, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã ban hành Quyết định số 401/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bán đấu giá sản phầm rừng tự nhiên (cây đứng) thuộc khu vực giải phóng mặt bằng điểm khai thác mỏ.

Theo đó, diện tích rừng phòng hộ do chuyển đổi mục đích sử dụng sang loại đất khai thác khoáng sản là trên 30 ha. Trữ lượng rừng bị mất do phải chặt hạ để khai trường 9,8 ha tại mỏ sắt Sàng Thần (thuộc Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản A.T), tại địa bàn thôn Lũng Vầy, xã Minh Sơn, với khoảng 1.751,63m3 gỗ.

Mới đầu, “trị giá trữ lượng gỗ bị thiệt hại ước tính trên 6 tỷ đồng, tuy nhiên, Ủy ban nhân dân huyện Bắc Mê khi tổ chức bán đấu giá chỉ thu được 2 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn tới việc suy giảm giá trị gỗ này là do huyện Bắc Mê tổ chức bán đấu giá theo hình thức gỗ chặt và do để thời gian quá lâu, nên rất nhiều loại gỗ bị hư hỏng,” báo cáo nghiên cứu của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Giang nêu rõ.

Ngoài tổn thất giá trị của cây rừng, theo Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Giang, hoạt động khai thác khoáng sản, cộng với sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, thậm chí có thể làm mất đi một số nguồn gen và giống cây dược liệu quý hiếm.

Hà Giang: Tổn thất tài nguyên rừng, ô nhiễm tăng vì khai thác mỏ ảnh 2Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Hà Giang đã chuyển đổi gần 2.000 ha rừng để phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Tàn phá đường, gia tăng ô nhiễm

Nghiên cứu của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Giang cũng cho thấy, hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra ở khu vực rừng đầu nguồn xã Minh Sơn đã ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân khu vực bởi nước thải, chất thải, tiếng ồn và khí bụi.

Nghiêm trọng hơn, việc chặt hạ cây rừng đầu nguồn, cùng với việc sử dụng một lượng nước quá lớn từ nguồn nước tự nhiên suối Lũng Vầy cho việc tuyển quặng, sử dụng của các công ty khai khoáng đã làm ô nhiễm, suy giảm và cạn kiệt nguồn nước tại 5 thôn: Lũng Vầy, Khuổi Kẹn, Nà Sáng, Bình Ba và Ngọc Trì của xã Minh Sơn.

Bà N.T.H ở thôn Lũng Vầy (xã Minh Sơn) phản ánh, người dân sống ở dọc con suối Lũng Vầy mấy năm nay đã không được sử dụng nước suối để sinh hoạt, tắm rửa hay những hoạt động khác, vì lý do nguồn nước suối bị nhiễm bẩn, khi sử dụng xuất hiện các hiện tượng như ngứa da, viêm da khi tắm, giặt.

Từ góc độ địa phương, bà Nguyễn Thị Tình, Chủ tịch Hội đồng Nhân dẫn xã Minh Sơn nêu thực tế: Từ khi chuyển đổi rừng sang khai thác mỏ trên địa bàn, nhất là hoạt động khai thác và vận chuyển quặng của Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản A.T, người dân đã phải sống trong môi trường bị ô nhiễm bởi khí bụi, tiếng ồn và ô nhiễm nguồn nước, đất canh tác.

“Cho đến nay, các khoản hỗ trợ mà doanh nghiệp mang lại chỉ là một số tiền nhỏ cộng với vài công trình như trường học, nhưng đổi lại thì cả con đường dài khoảng gần 20 km đã bị băm nát gần như xong. Người dân đi lại cũng không khỏi lo lắng vì hàng loạt xe tải trọng lớn qua lại trong tư thế gồng mình chở quặng. Chưa kể, trời nắng thì bụi bay mù mịt, mùa mưa thì đường ngập nước với ổ gà, ổ voi,” bà Tình ngậm ngùi.

Trong câu chuyện với phóng viên VietnamPlus, đại diện Ủy ban nhân dân huyện Bắc Mê cũng cho biết, doanh thu hàng năm của Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản A.T từ hoạt động khai thác khoáng sản là rất lớn. Tuy nhiên, ngoài nghĩa vụ nộp thuế và phí bảo vệ môi trường cho nhà nước, hàng năm, doanh nghiệp này cũng chỉ hỗ trợ “từ thiện” một phần rất nhỏ, không đủ để sửa lại con đường bị băm nát.

Theo ghi nhận của phóng viên, hoạt động vận chuyển quặng tại Hà Giang diễn ra rất tấp nập, khiến con đường chật hẹp từ khu vực mỏ sắt Sàng Thần tại xã Minh Sơn (huyện Bắc Mê) ra đến huyện Vị Xuyên bị "băm nát,” mặt đường lồi lõm đá sạn với vô số vũng lầy, ổ gà và hố sâu. Cùng với đó là khí bụi, hơi nóng hầm hập từ các thùng xe tải chở quặng vừa được vận chuyển ra khỏ khu vực nhà máy tuyển quặng.

Thẳng thắn chia sẻ về những tác động từ hoạt động khai thác mỏ, đại diện Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang khẳng định, hoạt động khai thác khoáng sản chắc chắn sẽ tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường; tích tụ hoặc phát tán chất thải; làm ảnh hưởng đến sử dụng nước, ô nhiễm nước…

Về phần trách nhiệm với nhà nước, "các tổ chức, cá nhân đang thực hiện dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh cơ bản chấp hành việc thực hiện ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường. Tuy nhiên, việc ký quỹ dù đã được thực hiện nhưng phần lớn vẫn chưa đầy đủ theo đúng quy định; vẫn còn nhiều đơn vị khai thác khoáng sản chưa tiến hành ký quỹ, hoặc ký quỹ chậm mặc dù đã đi vào khai thác," đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục