Hạ lãi suất: Cần sự đồng lòng của tất cả các TCTD

Sau nhiều ngày chờ đợi thì chính các tổ chức tín dụng, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã thở phào nhẹ nhõm khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình lên tiếng lãi suất huy động đã giảm từ 14% xuống còn 13%/năm bắt đầu từ ngày 13/3.

Mặc dù mức giảm lãi suất cơ bản 1% vẫn chưa phải là nhiều và lãi suất cho vay chưa hẳn đã giảm được như kỳ vọng, song, đó là nỗ lực rất lớn và điều này sẽ mang lại nhiều hy vọng cho cộng đồng doanh nghiệp.
Sau nhiều ngày chờ đợi thì chính các tổ chức tín dụng, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã thở phào nhẹ nhõm khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình lên tiếng lãi suất huy động đã giảm từ 14% xuống còn 13%/năm bắt đầu từ ngày 13/3.

Mặc dù mức giảm lãi suất cơ bản 1% vẫn chưa phải là nhiều và lãi suất cho vay chưa hẳn đã giảm được như kỳ vọng, song, đó là nỗ lực rất lớn và điều này sẽ mang lại nhiều hy vọng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Sự nhập cuộc của các ngân hàng "nhỏ"

Ngay sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình phát đi thông điệp trên, khác hẳn những lần trước là một số ngân hàng nhỏ cố tình chưa nhập cuộc để tiếp tục huy động tiền về phía mình, nhưng lần này nhiều ngân hàng nhỏ đã lên tiếng chấp hành lãi suất trần 13%/năm ngay trong ngày 13/3.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TienPhong Bank) cho biết, từ ngày 13/3, Ngân hàng này áp dụng biểu lãi suất huy động mới với mức lãi suất cao nhất là 13% cho các kỳ hạn tiết kiệm từ 1 tháng trở lên. Đối với hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và kỳ hạn tuần mức lãi suất tối đa quy định là 5%.

Ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc của TienPhong Bank cho biết Ngân hàng luôn áp dụng mức lãi suất tốt trên thị trường đồng thời thường xuyên triển khai các chương trình chăm sóc khách hàng theo từng thời kỳ như tặng quà Xuân, ưu đãi khách hàng nữ nhân dịp 8/3 hay 20/10…

Còn Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cũng công bố điều chỉnh lãi suất huy động tiền đồng, có hiệu lực từ ngày 13/3. Theo đó, lãi suất cho kỳ hạn từ 1-12 tháng là 13%/năm. Các kỳ hạn trên 12 tháng lãi suất được áp dụng ở mức 12,8% và 12%/năm.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Tổng giám đốc OceanBank cho biết: “Theo tôi, mức lãi suất huy động 13% là phù hợp điều kiện kinh tế vĩ mô, tốc độ lạm phát hiện nay và quyết tâm chính trị của nhà nước. Vấn đề lúc này chính là ở chỗ các ngân hàng cần chuẩn bị sẵn sàng để bước vào  một cuộc 'chạy đua' lành mạnh về chất lượng và dịch vụ. Trong bối cảnh đó, OceanBank cho rằng, tạo được sự tiện lợi cho khách hàng với chất lượng dịch vụ tốt sẽ là chìa khóa để giữ và thu hút khách hàng."

Theo bà Hương, trước đây khách hàng có thể chia năm xẻ bảy đồng vốn của mình để gửi ở một vài ngân hàng có lãi suất cao, nhưng giờ đây, với việc thực hiện trần lãi suất này, khách hàng có xu hướng cơ cấu lại danh mục tiết kiệm theo hướng “gom trứng vào một giỏ” để quản lý tập trung dòng tiền. Với mặt bằng lãi suất hiện nay, cộng với dự báo lãi suất có thể tiếp tục giảm trong những quý tiếp theo, khách hàng sẽ có xu hướng gửi tiền với các kỳ hạn dài, thay cho việc gửi kỳ hạn ngắn theo kiểu “lướt sóng lãi suất” như trước kia.

Trả lời cho câu hỏi, liệu có sự lo lắng khi các ngân hàng lớn sẽ hút khách hàng từ các ngân hàng nhỏ, bà Hương khẳng định, những ngân hàng nhỏ nhưng sức khỏe dồi dào như OceanBank luôn duy trì và phát huy được những lợi thế nhất định về chất lượng dịch vụ, thanh khoản và lợi nhuận tốt nên tao dựng được uy tín và niềm tin đối với khách hàng.

Cũng ngay từ đầu giờ sáng, trên bảng niêm yết của các ngân hàng lớn như ViettinBank, Vietcombank, BIDV, Techcombank, VPBank đã niêm yết biểu lãi suất mới theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Vietinbank, hạ lãi suất huy động là một xu hướng thực tế của nền kinh tế. Hiện đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực của kinh tế vĩ mô cho việc giảm lãi suất đầu vào một cách phù hợp hơn với lạm phát mục tiêu, để đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh doanh chung. Hạ lãi suất huy động là tín hiệu tốt để hạ lãi suất cho vay cũng thể hiện nhu cầu vốn và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Việc giảm lãi suất đã phần nào là một lời giải cho những nghi vấn về những khó khăn của hệ thống ngân hàng và kinh tế vĩ mô hiện nay. Ngân hàng Nhà nước đã từng cho biết, việc giảm lãi suất thời gian qua gặp khó vì hết vướng lạm phát lại đến thanh khoản... Và đến nay, lãi suất được điều chỉnh giảm cũng có nghĩa những khó khăn trong hệ thống ngân hàng, nhất là thanh khoản đã dần qua.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã đưa ra định hướng: đến cuối năm lãi suất sẽ giảm khoảng 1%/năm mỗi quý. Thông điệp này hạn chế kỳ vọng lãi suất cao của người gửi tiền và điều chỉnh ứng xử của họ.

Cần sự đồng thuận của các TCTD

Việc giảm lãi suất lần này của Ngân hàng Nhà nước không chỉ nhận được sự hưởng ứng của các ngân hàng thương mại mà của cả các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Chuyên gia Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, việc điều chỉnh trần lãi suất huy động là lộ trình đã được tính toán, nhất là khi lạm phát được dự báo sẽ kiềm chế ở mức một con số trong năm nay. Vì thế, giảm lãi suất là điều cần thiết, nhằm giảm bớt gánh nặng về lãi vay cho những người cần vốn. Đặc biệt là với các doanh nghiệp, không nên để họ kỳ vọng quá lâu đối với việc giảm áp lực về lãi vay.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, chủ trương hạ lãi suất rất là đúng và hoàn toàn có khả năng thực thi. Tiền có vào tiếp ngân hàng nữa hay không thì hai yếu tố đó chưa đủ và còn phải có những biện pháp tiếp, tập trung vào các nội dung như: Phải có những biện pháp để giải quyết thanh khoản của những ngân hàng yếu; phải tạo nên một sự rất nghiêm túc và thực hiện đồng bộ của tất cả các tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó phải phát huy vai trò kiểm soát, quản lý và các chế tài xử lý của Ngân hàng Nhà nước, đây là kinh nghiệm mà chúng ta đã thực hiện của nhiều đợt giảm lãi suất vừa qua và nếu như những yếu tố này làm không đồng bộ và có kết quả một cách đồng thời thì khả năng vốn vào chưa chắc đã có nhiều và theo ý muốn của chúng ta. Nếu như kinh tế đã có rồi và các biện pháp điều hành như tôi vừa nói trên làm một cách kiên quyết đồng bộ, chắc chắn vấn đề lo ngại vốn không vào được sẽ giảm đi và sẽ không thành hiện thực.

Những băn khoăn của ông Kiêm là có cơ sở khi một vài lãnh đạo ngân hàng cũng tỏ ra lo lắng. Một lãnh đạo ngân hàng lớn cho biết, khi trần lãi suất về 14% một năm, các nhà băng nhỏ đã khó, lần này lãi suất về còn 13% thì việc vực dậy thanh khoản của các ngân hàng càng khó. "Do đó, không ai đoán được việc vượt rào có xảy ra với những đơn vị này hay không", vị lãnh đạo này lo ngại.

Dù vậy, sự đồng thuận của nhiều ngân hàng ngay từ ngày đầu văn bản của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực đã cho thấy sự quyết tâm cao của các tổ chức tín dụng làm lành mạnh hóa tình hình thị trường tiền tệ và giảm áp lực vay vốn đối với các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục