Hà Lan: Ghi lại "tiểu sử" của những cái cây đã chết

Khi chết đi, cây cối thường bị chặt làm củi, còn tại thành phố Utrecht của Hà Lan, tiểu sử của chúng được ghi trong một cuốn sách nhỏ.
Khi chết đi, cây cối thường bị chặt làm củi, nhưng tại thành phố Utrecht của Hà Lan, chúng đang có một cuộc sống thứ hai với vai trò những cái bàn đặc biệt, có kèm theo một cuốn sách nhỏ ghi lại các câu chuyện kể về quá trình lớn lên của chúng.

Một cái cây có lịch sử tồn tại kéo dài hơn 3 thế kỷ. Cái cây khác từng chứng kiến nụ hôn đầu đời của một người đàn ông đã cao tuổi với người vợ tương lai của ông. Cái cây khác từng chứng kiến một bà mẹ dõi mắt theo bước chân đầu đời của con.

“Cứ mỗi cái cây bị chặt đổ, luôn có một chút lịch sử của khu vực hoặc tuyên bố bị mất theo. Chúng tôi muốn giữ một phần lịch sử đó,” Egbert Boerma, 33 tuổi, phát ngôn viên Hiệp hội Tafelboom, nơi sản xuất ra những cái bàn đặc biệt cho biết.

Giống nhiều nơi khác, những cái cây ở thành phố có 300.000 dân này thường bị chặt đổ, do chúng quá già, bị sâu bệnh hoặc chỉ vì người ta muốn mở rộng thêm thành phố.

“Khi một cái cây bị đưa vào danh sách chặt bỏ, chúng tôi sẽ chụp ảnh và thu thập thông tin về lịch sử của nó. Thông tin không chỉ liên quan tới cái cây mà còn về mọi thứ xung quanh nó, "Boerma, người thành lập Tafelboom vào năm 2009, cho biết.

"Chúng tôi đã thu gom được 1 trong 3 cây sồi cổ nhất Hà Lan. Theo các tài liệu có được, cây này được trồng vào năm 1776” - Boerma nói và chỉ vào một trong 30 cái bàn làm từ gỗ sồi, phong, phỉ nằm ở nhà kho của hiệp hội tại ngoại ô Utrecht.

Trong 3 năm, Tafelboom đã thu gom được 60 cây bị chặt hạ, với một số đã được biến thành những cái bàn, bán với giá 1.700 euro mỗi cái.

Các công nhân của thành phố thường mang những thân cây có thể sử dụng dược tới nhà kho của Tafelboom, nơi chúng được xẻ ra và để khô trong 2 năm. Mỗi cái bàn do hiệp hội làm ra đều được thiết kế để “thể hiện sự tôn trọng với từng cái cây riêng.”

Song song với đó, hiệp hội tổ chức các cuộc hội thảo với cư dân để ghi lại “lịch sử” của từng cái cây hoặc vai trò của chúng trong cuộc sống của người dân thành phố. Các câu chuyện thu được sẽ được in vào một cuộc sách và bỏ vào trong ngăn kéo của từng cái bàn.

"Tôi vẫn nhớ mình đang ngồi bên ghế đá cạnh cái cây bồ kếp ba gai này. Gần đó có một cái xích đu, một cái cầu trượt, một bãi cái nhỏ... Tôi cảm thấy rất thanh bình khi tới đó,” một cuốn sách viết.

Với Boerma, dự án không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn thỏa mãn tình yêu của anh với các câu chuyện hay và mối liên hệ với gốc gác nông thôn của bản thân.

Một số khách hàng tìm tới với anh vì tò mò. “Thật trùng hợp, nhưng tôi có tìm thấy một cái bàn làm từ cái cây đã từng đứng gần trường tiểu học của tôi. Tôi nhớ nó rất rõ,” khách hàng Ruud Vocking nói.

Những người khác quan tâm tới dự án vì khía cạnh “xanh” của nó.

“Điều khiến tôi thích thú nhất là tính tái chế trong dự án. Thay vì trở thành rác thải, gỗ được tái sử dụng và nó có thêm một chức năng thứ hai, một cuộc sống thứ hai,” khách hàng Michael Jaggoe nói.

Tafelboom đang xem xét khả năng mở rộng hoạt động. Hiệp hội hiện đã sản xuất những khối xếp hình cho trẻ con và thớt cắt rau củ. Giống như những cái bàn, các sản phẩm này đều có các cuốn sách “lịch sử” nho nhỏ về chúng./.

Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục