Hà Lan từ chối tiếp nhận gần 50 người di cư trên tàu cứu hộ

Giới chức Hà Lan đã từ chối đề nghị của Italy về việc tiếp nhận 47 người di cư trên tàu cứu hộ Sea Watch 3 mang cờ Hà Lan mà các cảng Italy trước đó đã từ chối cho cập cảng.
Hà Lan từ chối tiếp nhận gần 50 người di cư trên tàu cứu hộ ảnh 1Người di cư được tàu Sea Watch 3 giải cứu trên biển ở ngoài khơi Libya, ngày 19/1/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giới chức Hà Lan ngày 28/1 đã từ chối đề nghị của Italy về việc tiếp nhận 47 người di cư trên tàu cứu hộ Sea Watch 3 mang cờ Hà Lan mà các cảng Italy trước đó đã từ chối cho cập cảng.

Người phát ngôn Bộ An ninh và Tư pháp Hà Lan, Lennart Wegewijs khẳng định do không có một giải pháp toàn diện, La Haye sẽ không có hành động trong việc tiếp nhận người di cư trên tàu Sea Watch 3.

Chính phủ Hà Lan nêu rõ đây không phải là trách nhiệm của Hà Lan bởi tàu cứu hộ trên hoạt động "theo sáng kiến riêng" và thuyền trưởng tàu phải có trách nhiệm tìm một cảng gần đó để đưa 47 người di cư lên bờ.

Tàu cứu hộ Sea Watch 3 do một tổ chức phi chính phủ của Đức vận hành, đã cứu người di cư châu Phi trên vùng biển Lybia hơn 1 tuần trước và hiện tàu cứu hộ này đang tạm neo trên vùng biển Sicily của Italy trong điều kiện thời tiết xấu.

Hai nước thuộc vùng biển Địa Trung Hải là Italy và Malta đều từ chối cho tàu cập cảng.

Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini cho rằng Đức hoặc Hà Lan phải có trách nhiệm đối với những người di cư này, đồng thời cảnh báo ông đang cân nhắc các hành động pháp lý đối với thủy thủ đoàn của Sea Watch 3.

Tuy nhiên, giới chức hai nước này cho rằng vấn đề phải được giải quyết trong khuôn khổ nội dung thỏa thuận người di cư của Liên minh châu Âu (EU), trong đó tách biệt giữa những người có nhu cầu xin tị nạn và những người di cư theo diện tìm kiếm cơ hội làm kinh tế.

Hồi đầu tháng 1/2019, EU đã đạt được một thỏa thuận phân bổ người di cư trên 2 tàu (trong đó có tàu Sea Watch 3) giữa 8 nước châu Âu.

Tuy nhiên, trên thực tế cho đến nay, việc tiếp nhận những người di cư được tàu này cứu vẫn trong tình trạng không rõ ràng kể từ khi Italy hạn chế tiếp nhận tàu chở người di cư cập cảng nước này từ mùa Hè năm 2018.

Theo số liệu thống kê của cơ quan người tị nạn Liên hợp quốc, trong năm 2018 có khoảng 113.482 người vượt Địa Trung Hải tiến vào châu Âu, và có 2.262 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trong hành trình này.

Hiện EU đang chật vật giải quyết các vấn đề liên quan người di cư kể từ sau khi cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015 - đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng người di cư vào châu Âu với số lượng người di cư tới "lục địa già" này là hơn 1 triệu người mà hầu hết đến từ các nước xảy ra xung đột tại Trung Đông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục