Hà Nội bàn vai trò cộng đồng là chủ thể di sản văn hóa

Hội thảo khoa học về “Vai trò cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội," được tổ chức vào ngày 7/10.
Hội thảo khoa học thực tiễn với chủ đề: “Vai trò cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội," tổ chức ngày 7/10, với sự tham gia của nhiều giáo sư, tiến sỹ, nhà khoa học, nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa, di sản.

Thủ đô Hà Nội hiện có 5.175 di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn 29 quận, huyện, thị xã; có 1.165 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và trên 1.000 di tích được xếp hạng cấp thành phố; trong đó có hơn 260 di tích cách mạng, kháng chiến, gần 300 di tích và địa điểm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt khu di tích Hoàng Thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới…

Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều di tích bị mai một, xuống cấp nghiêm trọng. Có nơi cải tạo di tích nhưng lại phá đi nét đẹp nguyên bản, cổ kính và ý nghĩa lịch sử của di tích. Điển hình như việc cải tạo di tích chùa Trăm Gian thời gian gần đây.

Đa số các đại biểu dự hội thảo đều cho rằng, vai trò quản lý của các cấp chính quyền rất quan trọng nhưng quan trọng hơn vẫn là ý thức bảo vệ của chính cộng đồng, khách du lịch và dân cư nơi có di tích.

Theo thống kê của Hội di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội, cộng đồng đóng góp một phần rất lớn với 70% kinh phí đầu tư và tôn tạo di tích.

Ông Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức hội thảo cho rằng Di sản văn hóa truyền thống Thăng Long-Hà Nội gồm cả hai loại hình đặc trưng gồm: văn hóa làng và văn hóa đô thị. Văn hóa làng là đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Hà Nội là Kinh thành nên văn hóa đô thị rất đặc sắc.

Phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam quan niệm rằng di sản văn hóa là tài sản các thế hệ trước truyền lại, là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới và giao lưu văn hóa.

Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Văn Bài, giá trị văn hóa phi vật thể của dòng họ đóng góp làm giàu kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Ông nhấn mạnh rằng để hiểu rõ hơn vai trò của cộng đồng, cần thay đổi phương thức tiếp cận từ truyền thống sang hiện đại cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của xã hội. Sự bền vững của cộng đồng chủ yếu phụ thuộc vào khả năng thiết lập sự cân bằng giữa lợi ích cá nhân, lợi ích các nhóm xã hội và lợi ích cộng đồng…

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến thiết thực nhằm phát huy vai trò cộng đồng trong hoạt động bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa./.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục