Hà Nội bình minh sớm

Hà Nội bình minh sớm đón lễ diễu binh, diễu hành

Hôm nay, cả Thủ đô trở mình, thức giấc sớm hơn để cùng đón chào lễ diễu binh lớn nhất lịch sử trong những giờ phút trọng đại sắp tới.
Hôm nay, 10/10, Hà Nội chính thức tròn 1.000 năm tuổi. Khác với ngày thường, cả Thủ đô trở mình, thức giấc sớm hơn để cùng đón chào lễ diễu binh lớn nhất lịch sử trong những giờ phút trọng đại sắp tới.

Đã lâu lắm, người dân Hà Nội nói riêng và người dân cả nước nói chung mới lại có một đêm không ngủ để được sống trọn vẹn và mê say với trái tim của cả nước. Và cũng đã lâu lắm, người Hà Nội mới lại kéo nhau, rủ nhau dậy sớm để ra… đứng đường ngóng đoàn quân diễu binh đi qua.

4 giờ 20 phút, chị Thêu (Quán Sứ, Hà Nội) đã lục tục trở mình thức giấc. Công việc đầu tiên của chị là gọi mấy bà hàng xóm dậy cùng lỉnh kỉnh cơm nắm, nước nôi ra đầu phố Tràng Thi "xí chỗ." Chị bảo, chị về làm dâu Thủ đô đã hơn 10 năm, nhưng chưa bao giờ chị được chứng kiến lễ diễu binh nào cả. Lần này, Đại lễ, chị đã lên kế hoạch để đi xem cho bằng được từ cả tuần nay.

4 giờ 35 phút, người từ những con ngõ nhỏ, phố nhỏ hàng ngày vốn vẫn quen với nhịp sống ồn ào đã thức giấc. Điện từ những ô cửa hắt ra, cùng với tiếng huyên náo càng khiến Hà Nội rộn ràng hơn bao giờ hết. Các chị, các bà, và cả các em nhỏ, xúng xính áo quần, tay không quên mang theo chiếc ô phòng khi trời nắng túa ra, đổ về trục đường chính đoàn quân diễu binh sẽ đi qua.

Trên vỉa hè đường Nguyễn Thái Học, cụ Bùi Xuân Sính (Khâm Thiêm) vừa bế cháu, vừa cố tiến sát tới hàng dây ngăn cách. Mặt đỏ bừng, cụ bảo, hôm nay, đúng ngày Đại lễ, cụ đã đòi con cháu phải cho mình đi xem diễu binh bằng được.

“Dù mệt mấy, nắng mấy, tôi cũng sẽ chờ,” cụ Sính quả quyết.

Nhìn ra bên cạnh, cả một dãy vỉa hè dài đã không còn một chỗ trống. Người đứng, người ngồi la liệt, mắt hướng về con đường trống phía trước như thể ở đó đang diễn ra một lễ hội lớn.

Trên ngã tư Điện Biên Phủ - Trần Phú, mặc dù hàng rào ngăn cách đã được dựng lên, nhưng dòng người vẫn nườm nượp đổ về. Nhiều người dừng xe ngay sát barie, dựng sẵn máy ảnh trước hàng tiếng đồng hồ để “có được góc nhìn rõ nhất khi đoàn quân đi qua.” Chỉ trong một chốc, khu vực này cũng đã ồn ào tiếng người.

Những người đêm qua cố chợp mắt cùng đêm Hà Nội cũng đã trở mình. Vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng, “giường nghỉ” của hàng trăm người đêm qua giờ được biến thành một khán đài thu nhỏ. Những cô bác từ tận Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, thậm chí Cà Mau… vừa dịu mắt, vừa dõi mắt ra phía Tháp Rùa.

Cụ Lê Trần Mưu (Nho Quan, Ninh Bình), trước đây đã một lần được đi xem lễ duyệt binh. Nay, ngồi bên bờ Hồ, cụ trầm ngâm bảo: “Nhìn lũ trẻ bây giờ cũng náo nức chờ diễu binh, tôi lại nhớ lại những thời khắc lịch sử năm 1976.”

Cụ cũng bảo thêm, diễu binh là để chào mừng những sự kiện lớn của đất nước, để mọi người nhớ về thời khắc độc lập, về vị thế của nước ta với thế giới, là ngày mà 64 dân tộc anh em con rồng cháu tiên hội ngộ với nhau để báo công với Bác, với đất nước.

Trên các trục đường chính, con đường rộng thênh thang, gió thổi mơn man, các hàng rào chắn đường và lực lượng an ninh bảo vệ để chuẩn bị cho công tác lễ diễu binh đã ứng trực, hai bên vỉa hè đường, người dân đang í ới gọi nhau dậy chuẩn bị chào đón bình minh của ngày mới, của sự kiện  diễu binh, diễu hành chào đón Thủ đô 1.000 năm lịch sử.

Bác Phạm Thành Lâm, một người dân Hà Nội đã tới chỗ ngã tư Cửa Nam – Điện Biên Phủ để có thể tận mắt ngóng đoàn diễu binh đi qua, bác Lâm nói: “Lễ diễu binh ngàn năm lớn nhất trong lịch sử, là sự kiện lớn nên người dân khắp cả nước đều háo hức, là người con sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tôi thấy tự hào và sẽ cố gắng chen chân xem cho bằng đươc.”/.

PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục