Hà Nội cần khoảng 2,6 triệu tỷ đồng đầu tư trong 5 năm tới

Hà Nội đặt mục tiêu trong 5 năm tới, tăng trưởng GRDP bình quân 6.700 USD – 6.800 USD/người, theo đó huy động vốn đầu tư xã hội khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng, trong đó vốn ngoài ngân sách chiếm 80%.
Hà Nội cần khoảng 2,6 triệu tỷ đồng đầu tư trong 5 năm tới ảnh 1Hội nghị "Hà Nội 2016-Hợp tác đầu tư và phát triển" diễn ra ngày 4/6. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP [Tổng sản phẩm trên địa bàn-PV] bình quân 8,5% - 9%/năm, GRDP bình quân 6.700 USD – 6.800 USD/người, theo đó cần huy động vốn đầu tư xã hội khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng, với vốn ngoài ngân sách chiếm 80% đồng thời năng suất lao động xã hội tăng bình quân 6,5%/năm.

Tại Hội nghị "Hà Nội 2016-Hợp tác đầu tư và phát triển", ngày 4/6, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, để thực hiện các mục tiêu trên hướng đầu tư của thành phố bao gồm: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung; Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, thương mại; Nâng cao chất lượng dịch vụ công hướng tới chất lượng tiêu chuẩn khu vực.

Ông Chung cũng chỉ ra, các danh mục dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) giai đoạn 1 có 52 dự án, dự kiến tương đương khoảng 16 tỷ USD, trong đó tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật 35 dự án (như 4 dự án đường sắt đô thị, 6 dự án cầu qua sông Hồng, sông Đuống, 5 dự án khép kín các đường vành đai…).

Đáng chú ý về phần kêu gọi các dự án xây dựng, cải tạo các khu chung cư cũ, ông Chung nhấn mạnh: “Thành phố sẽ tiến tới cải tạo toàn diện toàn thể các khu chung cư chứ không thực hiện làm đơn lẻ từng tòa nhà.”

Hiện tại, ông Chung cho biết đã có 70 nhà đầu tư gửi công văn xin đăng ký vào 52 dự án, với tổng mức đầu tư xấp xỉ 300.000 tỷ đồng.

Trong Hội nghị, đại diện các tổ chức quốc tế, các cơ quan và doanh nghiệp trong nước cũng đã trình bày các tham luận, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào Hà Nội, như các giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, khuyến nghị đầu tư công nghệ cao trong lĩnh vực y tế, đầu tư và phát triển kinh tế gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa Hà Nội…

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra một số kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp, cụ thể 50-57% doanh nghiệp lớn cho biết họ thường bị thanh tra, kiểm chồng chéo. Do đó, ​Hà Nội cần có các giải pháp kiên quyết thực hiện các đoàn thanh tra, kiểm tra vào doanh nghiệp không quá một lần và chỉ vào lần thứ hai khi có những dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng. Thêm vào đó là đảm bảo việc không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế dân sự.

Một vấn đề khác được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đó là việc nâng cao chất lượng cán bộ, công chức Nhà nước. Ông Lộc nhấn mạnh, “chỉ có 28% doanh nghiệp cho rằng cán bộ tại bộ phận một cửa am hiểu về chuyên môn. Vấn đề này cần phải được giải quyết từ việc nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và đặc biệt là sự tận tâm của đội ngũ cán bộ này. Họ phải là những cán bộ có khả năng giải quyết các ý kiến, kiến nghị chứ không hẳn là bộ phận giúp việc.”

Ngoài ra, ông Lộc cũng chỉ ra ​những thực trạng còn yếu kém, như theo điều tra của VCCI chỉ có khoảng 27% doanh nghiệp tại Hà Nội có thể tiếp cận vốn ngân hàng, so với khảo sát chung trong cả nước là 53% thì tỷ lệ trên là thấp hơn mức bình quân. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội chưa sẵn sàng trong hoạt động hội nhập, khi mà chỉ có 5% số doanh nghiệp trong thành phố cho biết đã tiếp cận, hiểu được sâu các hiệp định thương mại tự do ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực kinh doanh của họ.

“Những điều này là không thể chấp nhận được,” ông Lộc thẳng thắn trao đổi./.

Hà Nội cần 2,6 triệu tỷ đồng đầu tư cho phát triển trong 5 năm tới
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục