Hà Nội: Cần linh hoạt khi giải quyết vấn đề bức xúc về đô thị

Các cấp chính quyền Hà Nội khi giải quyết vấn đề trật tự văn minh đô thị phải thấu tình đạt lý và áp dụng linh hoạt vào thực tiễn đời sống nhân dân, tránh cứng nhắc.
Hà Nội: Cần linh hoạt khi giải quyết vấn đề bức xúc về đô thị ảnh 1Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường diễn ra khá phổ biến ở Hà Nội (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngày 23/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đi kiểm tra thực tế và làm việc với các ban, ngành, quận liên quan để tăng cường chấn chỉnh hoạt động vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, xây dựng trái phép gây bức xúc trong nhân dân.

Ông Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, trật tự văn minh đô thị là việc làm cấp thiết nên năm nay thành phố dồn sức thực hiện nhằm xây dựng bộ mặt Thủ đô xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên đây là việc làm khó, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền và cả ý thức của người dân. Muốn vậy, các cấp chính quyền khi giải quyết vấn đề phải thấu tình đạt lý và áp dụng linh hoạt vào thực tiễn đời sống nhân dân, tránh cứng nhắc. Bên cạnh đó, áp dụng các thiết kế để xây dựng vỉa hè còn chưa phù hợp với đặc thù từng vùng, từng địa bàn, dẫn tới chưa thuận tiện trong sinh hoạt, làm người dân bất bình…

Ông Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo, các cấp, các ngành, địa phương cần coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và đẩy mạnh tuyên tuyền, nâng cao nhận thức để người dân cùng ý thức thực hiện. Về phía thành phố cũng sẽ tạo điều kiện hết sức và ưu tiên những quận có nhiều cố gắng, tích cực, với nhiều phong trào, mô hình hay. Thành phố dành 70% số tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất cho địa phương. Nguồn kinh phí này các đơn vị đầu tư mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng đô thị ngày càng sạch đẹp.

Sau một thời gian thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị” nhiều quận đã nêu những bất cập trong việc xác định đơn vị quản lý đối với các lĩnh vực còn chưa rõ ràng, dẫn tới chồng chéo như quản lý cột điện, bóng đèn, biển quảng cáo, cây xanh.

Cầu Giấy là một trong những quận làm tốt và có nhiều mô hình hay trong bảo đảm trật tự đô thị. Quận đã huy động 1.000 lượt cán bộ thường xuyên duy trì trên các tuyến phố để nhắc nhở, kiểm tra và đã xử lý trên 1.300 trường hợp vi phạm, với số tiền xử phạt vi phạm 720 triệu đồng, tạm giữ hàng ngàn biển quảng cáo, mái che, xe máy, xe thô sơ…

Quận kiểm tra 228 công trình xây dựng, cấp 390 giấy phép và đang tiến hành giải tỏa mặt bằng 62 dự án, trong đó có nhiều dự án lớn của thành phố như tuyến đường vành đai 2; khu đô thị mới Cầu Giấy; khu công viên-hồ điều hòa phía Bắc và Nam nghĩa trang Mai Dịch…

Kinh nghiệm của quận Cầu Giấy là chú trọng vận động, tuyên truyền để người dân ý thức tham gia qua nhiều hình thức như loa phát thanh; họp tổ dân phố; hội nghị chuyên đề ngõ, xóm xanh-sạch-đẹp; in ấn tài liệu và phát thông báo để các hộ cam kết thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục