Hà Nội chủ động tu bổ đê kè trước mùa mưa bão

Hà Nội xác định các tuyến đê, kè ở những vị trí xung yếu để khi có sự cố trong mùa mưa bão, lực lượng hộ đê có thể ứng phó kịp thời.
Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cho biết để chuẩn bị cho mùa mưa bão năm 2013, Chi cục đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc, triệt để phương châm 4 tại chỗ, đặc biệt là tổ chức lực lượng, bảo đảm quân số, có chất lượng, nhằm huy động kịp thời, chủ động đối phó với mọi diễn biến bất lợi của thời tiết.

Đặc biệt, các tuyến đê, kè ở những vị trí xung yếu đã được xác định để khi xảy ra sự cố, lực lượng hộ đê có thể ứng phó kịp thời.

Chi cục đã xác định được bốn trọng điểm đê, kè xung yếu là khu vực đê, kè Thanh Am-Tình Quang, tương ứng K3+700 đến K5+840 đê hữu Đuống, quận Long Biên; công trình cống Liên Mạc, tương ứng K53+450 đê hữu Hồng, huyện Từ Liêm; Cụm công trình cống qua đê Yên Sở, tương ứng K78+150 đê hữu Hồng, quận Hoàng Mai và khu vực đê, kè, cống Xuân Canh-Long Tửu tương ứng K0+00 đến K2+00 đê tả Đuống, huyện Đông Anh.

Trong số này, khu vực cụm công trình cống qua đê Yên Sở và khu vực đê, kè, cống Xuân Canh-Long Tửu khá phức tạp, nguy hiểm, thường trực nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ bởi đây là khu vực đê sát sông, mái kè cũng là mái đê. Trong khu vực này còn có cống lấy nước Long Tửu - công trình liên tỉnh Hà Nội-Bắc Ninh được xây dựng từ lâu (năm 1962), đáy cống thấp.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của chế độ thủy lực phức tạp khu vực cửa vào sông Đuống, khu vực này thường xuyên xảy ra sự cố nguy hiểm trong những năm qua.

Ngoài ra, Hà Nội còn xác định 10 vị trí xung yếu trên các tuyến đê hữu Đà, hữu Hồng, tả Đuống, hữu Cầu và Vân Cốc, trong đó vị trí tương ứng K4+100 đến K5+700 thuộc khu vực kè Khê Thượng, đê hữu Đà là nguy hiểm nhất do đỉnh kè cách chân đê từ 7-15m và có cống trạm bơm Sơn Đà. Vào năm 1971 vị trí tuyến đê này đã từng bị vỡ đê. Hiện tại, chân kè đã bị xói sâu do dòng chảy chủ lưu áp sát mái, chân kè.

Ông Thịnh cho biết Chi cục đã chỉ đạo các địa phương ở dọc bờ sông tập trung tham gia tu bổ hệ thống đê, kè, cống, hồ đập, nạo vét khơi thông dòng chảy, cống rãnh, giải tỏa những ách tắc, cản trở dòng chảy; xử lý nghiêm túc, giải tỏa triệt để những vi phạm hành lang bảo vệ đê điều và các công trình thủy lợi, đặc biệt tại các vị trí xung yếu.../.

Phương Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục