Hà Nội chủ động xây dựng các kịch bản chống lụt bão

Hà Nội xây dựng các kịch bản để chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết bất thường như mưa lớn, lốc xoáy, mưa đá, sạt lở đất vùng núi.
Chiều 25/6, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Hà Đức Chung đã thông báo về kế hoạch phòng chống úng ngập mùa mưa bão năm 2013.

Năm 2013, dự báo diễn biến khí tượng thủy văn không quá phức tạp, song do sự biến đổi khí hậu toàn cầu, những hình thái khí tượng thủy văn cực đoan có thể xảy ra một cách khó lường.

Để chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết bất thường như mưa lớn cục bộ, lốc xoáy, mưa đá, sạt lở đất vùng núi, Hà Nội đã xây dựng nhiều kịch bản để phòng chống lụt bão. Trong đó đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền đến nhân dân nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác phòng chống lụt bão khi mùa mưa đến, nhất là đối với bà con sống xung quanh khu vực đê xung yếu, đảm bảo giảm thiểu thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra.

Hiện nay, trên toàn thành phố có khoảng 300 trạm bơm đầu mối lớn làm nhiệm vụ tiêu úng. Các trạm bơm này do các doanh nghiệp thủy lợi quản lý vận hành khai thác, với tổng năng lực bơm tiêu khoảng 4.1 triệu m3/h, còn lại hơn 300 trạm bơm nhỏ cục bộ do các quận huyện thị xã quản lý và một số trạm bơm dã chiến tiêu úng cục bộ.

Các trạm bơm tiêu được đầu tư xây dựng những năm gần đây bằng công nghệ bơm tiên tiến nên phát huy hiệu suất cao. Đối với hệ thống cống tiêu úng khi xảy ra mưa to cũng đã được cơ bản kết cấu với nhau ổn định.

Để đảm bảo chống úng, các đơn vị quản lý đang triển khai khắc phục một số tồn tại, bảo dưỡng máy đóng mở, sơn lại giàn khung, cánh cống; đặc biệt là đã tập kết vật tư sẵn sàng hoành triệt cống khi có yêu cầu; thay thế và sửa chữa tại một số cống bị hỏng cánh, hỏng phai...

Tuy nhiên, nhiều tuyến kênh tưới, tiêu, nhất là một số trục tiêu chính, do nhiều năm chưa được nạo vét đã và đang trong tình trạng bị bồi lắng gây thu hẹp dòng chảy, hiệu quả tiêu thấp như trục chính sông Đáy, sông Nhuệ, sông La Khê, sông Thiếp- Ngũ huyện Khê...

Tại cuộc họp, Chi cục Trưởng chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cũng cho biết Chi cục đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc, triệt để phương châm bốn tại chỗ, đặc biệt là tổ chức lực lượng, bảo đảm quân số, có chất lượng để huy động kịp thời, chủ động đối phó với mọi diễn biến bất lợi của thời tiết, mọi sự cố xảy ra.

Đặc biệt, đối với các tuyến đê kè ở những vị trí xung yếu đã được xác định để khi xảy ra sự cố lực lượng hộ đê có thể ứng phó kịp thời. Theo đó, Chi cục đã xác định được 4 trọng điểm đê, kè xung yếu và 10 vị trí xung yếu trên các tuyến đê. Đó là khu vực đê, kè Thanh Am-Tình Quang, tương ứng K3+700 đến K5+840 đê hữu Đuống (quận Long Biên); công trình cống Liên Mạc, tương ứng K53+450 đê hữu Hồng (huyện Từ Liêm); Cụm công trình cống qua đê Yên Sở, tương ứng K78+150 đê hữu Hồng (quận Hoàng Mai) và khu vực đê, kè, cống Xuân Canh-Long Tửu tương ứng K0+00 đến K2+00 đê tả Đuống, huyện Đông Anh.

Trong đó, có khu vực cụm công trình cống qua đê Yên Sở và khu vực đê, kè, cống Xuân Canh-Long là khá phức tạp, nguy hiểm, thường trực nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ bởi đây là khu vực đê sát sông, mái kè cũng là mái đê.

Trong khu vực còn có cống lấy nước Long Tửu là công trình liên tỉnh Hà Nội-Bắc Ninh được xây dựng từ lâu (năm 1962), đáy cống thấp. Đặc biệt, do ảnh hưởng của chế độ thủy lực phức tạp khu vực cửa vào sông Đuống, khu vực này những năm qua thường xuyên xảy ra sự cố. Cụ thể, tháng 11/2006, xảy ra sự cố nghiêm trọng, đoạn từ K1+600 đến K1+800 xuất hiện một số cung trượt dài 99,5m và độ chênh của cung trượt vị trí lớn nhất là 2,65m; cuối tháng 11/2012, ở khu vực kè Xuân Canh tương ứng từ K1+00 đến K1+036 xảy ra sự cố lớn, đặc biệt nguy hiểm.

Ngoài ra, Hà Nội còn xác định 10 vị trí xung yếu trên các tuyến đê hữu Đà, hữu Hồng, tả Đuống, hữu Cầu và Vân Cốc thì vị trí tương ứng K4+100 đến K5+700 thuộc khu vực kè Khê Thượng, đê hữu Đà là nguy hiểm nhất./.

P.A (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục