Hà Nội chuẩn bị Liên hoan nghi lễ chầu văn đầu tiên

Liên hoan nghi lễ chầu văn được tổ chức từ ngày 25/9-5/10 nhằm kiểm kê, bước đầu tư liệu quá di sản văn hóa này trên địa bàn Hà Nội.
Liên hoan nghi lễ chầu văn Hà Nội lần đầu tiên sẽ được tổ chức từ ngày 25/9-5/10; với sự tham gia của các nhóm chầu văn hiện đang hoạt động tại 29 quận, huyện trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Thông  tin trên được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết vào chiều 23/9. [Hoàn thiện hồ sơ đề nghị nghi lễ Chầu văn là di sản]
Cụ thể, liên hoan sẽ được chia thành hai vòng. Vòng cấp quận/huyện diễn ra từ ngày 25-30/9; được tổ chức thành bốn cụm, tại các địa điểm: Đền Lâm Du (Bồ Đề, Long Biên), đền Yên Phú (Liên Trì, Thanh Trì), đền Cây Quế (Trung Hòa, Cầu Giấy) và đền Kim Giang (Kim Giang, Thanh Xuân). Mười tiết mục đặc sắc thể hiện tinh thần của nghi lễ chầu văn và bám sát với thực tế sẽ được lựa chọn để trình diễn tại vòng 2 của liên hoan (diễn ra dự kiến trong hai ngày 4 và 5-10) tại Rạp Công nhân (42 Tràng Tiền, Hà Nội). Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội-ông Nguyễn Khắc Lợi cho biết: "Tất cả các buổi sơ khảo nghi lễ chầu văn đều được tổ chức tại các đền cổ ở Hà Nội để giữ nguyên không gian trình diễn phù hợp của nghi thức này." "Tuy nhiên, vòng hai của liên hoan được tổ chức tại Rạp Công nhân bởi đây là địa điểm có đủ điều kiện về chỗ ngồi, nơi gửi xe, bảo đảm an ninh... Để khắc phục hạn chế về không gian trình diễn, trong điều kiện lớn nhất có thể, Ban tổ chức sẽ tạo dựng một sân khấu gần gũi với không gian hầu đồng với bàn thờ, các mô hình…; để người trình diễn có thể thể hiện được hết những tinh túy của nghệ thuật chầu văn," ông Nguyễn Khắc Lợi cho biết thêm. Thông tin từ Ban tổ chức cũng cho hay, thay vì việc chấm điểm, trao giải... như các liên hoan nghệ thuật khác, liên hoan lần này sẽ chỉ trao tặng các thanh đồng kỷ niệm chương, danh hiệu hoặc chứng nhận… như một sự ghi nhận những đóng góp của những người tham gia trình diễn tại một sự kiện chính thức và quy mô lớn như liên hoan này. Liên hoan do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức với mục đích: Kiểm kê và bước đầu tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể hát chầu văn tại Hà Nội; từ đó, góp phần xây dựng hồ sơ nghi lễ chầu văn ở Hà Nội, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đưa nghi lễ chầu văn của người Việt thành phố Hà Nội vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Cùng với đó, liên hoan được tổ chức còn  nhằm “góp phần định hướng cho hình thức trình diễn nghệ thuật mang màu sắc tâm linh đang có dấu hiệu biến tướng trong xã hội hiện nay,” giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng, thành viên Ban tổ chức liên hoan bày tỏ.
Hà Nội chuẩn bị Liên hoan nghi lễ chầu văn đầu tiên ảnh 1

Nghệ thuật chầu văn thường có nội dung ca tụng các bậc thánh thần (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)
Theo giáo sư, hiện nay, ở nhiều địa phương, trình diễn hầu đồng và hát văn đã bị biến tướng theo hướng mê tín dị đoan, làm mất đi giá trị văn hóa, nghệ thuật của loại hình này và gây rối loạn ý nghĩa của nó trong đời sống xã hội. Trong khuôn khổ của liên hoan, tọa đàm “Bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu của Nghi lễ Chầu văn trong đời sống đương đại” sẽ được tổ chức vào chiều ngày 5/10 với sự tham gia của các nhà khoa học, quản lý văn hóa, các đội chầu văn, thanh đồng, cung văn. Là loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền, chầu văn còn gọi là hát văn (hát bóng), có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung chủ yếu tại tỉnh Nam Định và một số vùng quanh Hà Nội. Xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong các lễ hội, chầu văn ra đời gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo)-một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt, nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh. Hát chầu văn bao gồm bốn hình thức biểu diễn: Hát thờ, hát thi, hát hầu và hát văn nơi cửa đền. Hiện nay, nghi lễ chầu văn của người Việt đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, để nghiên cứu lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới./.
Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục