"Hà Nội có 2 trường thuộc IBO là trường quốc tế"

Trường quốc tế là trường thuộc tổ chức Tú tài quốc tế (IBO), học theo một khung chương trình chung thống nhất trên toàn thế giới.
Trước nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm trường quốc tế cũng như sự bùng nổ phong trào tìm đối tác nước ngoài của các trường hiện nay, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với những người trong cuộc về vấn đề này.

Bà Nguyễn Hồng Thuý, Phó Tổng Giám đốc thứ hai, trường Quốc tế Hà Nội:

Không phải cứ trường nước ngoài là trường quốc tế

Từ "quốc tế" thể hiện chương trình giảng dạy, bằng cấp được công nhận trên phạm vi thế giới.

Các trường của Hàn Quốc hay trường của Pháp chỉ là trường của nước ngoài mở tại Việt Nam. Những trường này dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục thuộc nước họ, phục vụ cho con em học sinh Hàn Quốc và Pháp, bằng cấp cũng chỉ được công nhận trên đất nước họ.

Chẳng hạn, nếu Việt Nam mở một trường dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho con em người Việt đang sống tại Nga thì trường đó của Việt Nam cũng không thể gọi là trường quốc tế.

Trường quốc tế là trường thuộc tổ chức Tú tài quốc tế (IBO), học theo một khung chương trình chung thống nhất trên toàn thế giới của IBO. Vì thế, bằng cấp được công nhận trên toàn thế giới. Khi học xong, nếu đủ điểm, học sinh có thể vào bất cứ trường đại học nào mà không cần qua học dự bị.

Tại Hà Nội chỉ có hai trường là thành viên của IBO là trường Quốc tế Hà Nội và trường Unis của Liên hiệp quốc.

Ngoài việc dạy chương trình của IBO, còn rất nhiều điểm khác giữa trường quốc tế và trường thường. IBO không đưa ra một bộ sách giáo khoa như ở Việt Nam mà mỗi môn có rất nhiều tài liệu. Giáo viên được chủ động chọn tài liệu và cách giảng dạy, miễn sao tới hết một quý, một học kỳ, học sinh phải đạt được trình độ theo yêu cầu đặt ra.

Một lớp của trường quốc tế đông nhất là 25 học sinh và phải có không quá 50% học sinh cùng một quốc tịch để đảm bảo tính quốc tế thực sự.

Ông Paul Long, giáo viên người Anh (đang giảng dạy tại trường Brendon, Hà Nội)


Không ít trường quốc tế coi học sinh như “gà công nghiệp”


Cho con theo học tại các trường quốc tế đang là nhu cầu của nhiều phụ huynh. Không ít bậc cha mẹ tâm sự với tôi rằng họ đầu tư cho con cái chỉ mong con mình sớm được tiếp cận với chương trình giáo dục quốc tế, để dễ dàng hội nhập với thế giới.

Thực tế, đây là một điều tốt bởi chương trình giáo dục của nước ngoài có nhiều ưu điểm riêng. Chúng tôi chú trọng giáo dục cho các em sự quan tâm tới mọi người xung quanh mình và nhấn mạnh phát triển khả năng xã hội của các em.

Tuy nhiên, tôi đã tham gia giảng dạy tại nhiều trường quốc tế của Việt Nam và thấy rằng ở Hà Nội đang thiếu các trường quốc tế chất lượng cao. Nhiều trường rất giỏi trong khoản PR, tiếp thị còn chất lượng thực khá hạn chế.

Nhiều trường coi các em như “gà công nghiệp”. Những trường này mang tiếng là quốc tế nhưng thực chất chỉ đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, thay giáo viên như thay áo. Nhiều học sinh có lẽ còn không nhớ nổi mặt thầy giáo, không ít học trò bởi thế cũng không thực sự tôn trọng thầy giáo.

Như vậy, số tiền các bậc phụ huynh bỏ ra chắc chắn không thể tương xứng với những gì các em nhận được.

GS Văn Như Cương: Phải có cơ chế đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng

Tìm một đối tác nước ngoài đang thực sự là một phong trào của các trường. Còn các bậc phụ huynh cũng có phong trào cho con học các trường có yếu tố nước ngoài. Phong trào này tôi nghĩ sẽ tới lúc lắng xuống. Tuy nhiên, hiện tại nó đang thu hút một khoản tiền lớn của phụ huynh và cũng là nhu cầu thực sự của họ.

Học tiếng Anh theo kiểu 3 tiết một tuần hiện nay thì hết lớp 12 học sinh cũng không khá lên được. Còn cho con đi học ở các trung tâm ngoại ngữ cũng rất mệt mỏi vì phải đưa đi đón về, tiền học cao. Vì thế, khi các trường mở ra việc dạy tăng cường ngoại ngữ, dạy theo chương trình và phong cách nước ngoài rõ ràng là tiện hơn.

Đây là tình hình thực tế, và chúng ta nên đáp ứng nhu cầu đó. Chúng tôi cũng đang tìm đối tác để trong năm học tới mở lớp tăng cường tiếng Anh cho học sinh trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh.

Tuy nhiên, đáp ứng nhu cầu nhưng phải đảm bảo chất lượng với mức tiền tương xứng.

Hiện các trường có yếu tố nước ngoài thu học phí rất vô tội vạ, hàng mấy nghìn USD mỗi năm. Đón con muộn cũng tính thêm 5 USD. Giáo dục mà kinh doanh từng chút như thế thì thật đáng sợ!

Nói trường cấp chứng chỉ này, đi học trường kia, sang Singapore, sang Anh, nhưng trường phải trưng ra những ký kết, bảo đảm rõ ràng liên kết với trường nào, giáo viên nào, ở đâu, bằng cấp ra sao? Phải làm hợp đồng đảm bảo.

Cái hiện nay trong giáo dục cũng như trong tiêu dùng nói chung là chưa có cơ chế để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Vì thế, phụ huynh cũng phải tỉnh táo, tìm hiểu kỹ mọi thông tin trước khi “chọn mặt gửi vàng”./.

Tổ chức tú tài quốc tế IBO (International Baccalaureate Organization) là tổ chức giáo dục phi lợi nhuận được thành lập năm 1968 ở Thụy Sỹ nhằm cung cấp những chương trình giáo dục quốc tế chất lượng cao cho học sinh từ 3 tới 19 tuổi.

Các chương trình giáo dục của IBO gồm 3 cấp tương ứng với các độ tuổi: 3-11, 11-16, 16-19. Chương trình giảng dạy của IBO cũng khuyến khích học sinh thể hiện chính kiến của mình trong quá trình học. Theo IBO, giáo viên phải là người kích thích học trò đặt nhiều câu hỏi phản biện hay phát triển kỹ năng nghiên cứu cho học sinh.


Hiện nay, trên thế giới đã có 2.700 trường tại 138 quốc gia thuộc hệ thống IBO với tổng số học sinh lên tới hơn 755.000 em. Trong vòng 10 năm trở lai đây, số học sinh thuộc IBO đều tăng trung bình từ 10 tới 20% mỗi năm.



Bài 3: "Né" trường quốc tế, tìm đối tác liên kết

Mai Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục