Theo Vụ Quản lý Đê điều, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội hiện có 20 trọng điểm xung yếu tại các tuyến đê cần phải xây dựng phương án bảo vệ trước mùa mưa lũ, nằm rải rác tại các tuyến đê sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy và sông Cà Lồ.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Vietnamplus ngày 21/10, ông Trần Công Tuyên - Vụ trưởng Vụ Quản lý Đê điều cho biết với 20 điểm xung yếu đang tồn tại, cơ quan này đã triển khai lắp đặt camera, theo dõi 24/24, đẩy mạnh công tác giám sát để phát hiện sớm sự cố.
“Ngoài các camera giám sát từ xa, thời gian qua, chúng tôi cùng các địa phương liên tục tăng cường lực lượng tuần tra canh gác bảo vệ đê để kịp thời phát hiện các sự cố, bởi việc xử lý thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc phát hiện sớm. Khắc phục các sự cố nhỏ có ý nghĩa quyết định để không dẫn đến sự cố lớn và diễn biến xấu, đặc biệt là hiểm họa vỡ đê,” ông Trần Công Tuyên cho hay.
Bên cạnh đó, hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo Chính phủ đầu tư tu bổ và nâng cấp hệ thống đê điều nhằm từng bước xóa dần các trọng điểm xung yếu.
Đối với sự cố tại đê Hữu Đáy, đoạn qua xã Xuy Xá huyện Mỹ Đức như phóng viên báo điện tử Vietnamplus đã đưa tin, đại diện Vụ Quản lý Đê điều cho biết đây là tuyến đê cấp 4, do địa phương trực tiếp quản lý.
Vì vậy, ngay sau khi nhận được thông tin, Vụ Quản lý Đê điều đã tổ chức đi kiểm tra và có văn bản gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị khẩn trương có các giải pháp xử lý.
Trước hết, cơ quan này đề nghị thành phố không cho người, phương tiện đi vào khu vực sự cố đồng thời khẩn trương triển khai phương án xử lý ban đầu để sự cố ko phát triển thêm.
Đặc biệt, Vụ quản lý Đê điều đề nghị thành phố Hà Nội nhanh chóng khảo sát, đánh giá cụ thể nguyên nhân, đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm đảm bảo an toàn việc chống lũ lâu dài của đê.
[Tuyến đê sông Đáy sụt lún nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ vỡ đê]
Theo thống kê, cả nước có 9.080km đê điều (trong đó 2.300km đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt). Qua khảo sát, Vụ Quản lý Đê điều đã xác định được trên 200 vị trí trọng điểm, xung yếu.
“Trước diễn biến mưa lũ hết sức phức tạp của năm 2021, tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng như tình hình mưa lũ năm 2020 từng xảy ở miền Trung và những tháng vừa qua, bên cạnh việc tuần tra giám sát chúng tôi đã tham mưu Chính phủ chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là các địa phương có những tuyến đê xung yếu, tăng cường công tác quản lý lòng sông, bãi sông để đảm bảo không gian thoát lũ của các tuyến sông," ông Tuyên nói.
Mặt khác, theo ông Tuyên, với các tỉnh miền Trung đang trong cao điểm mưa bão, dự báo đến cuối năm còn diễn biến hết sức phức tạp, để chủ động đảm bảo an toàn đê điều, đặc biệt là các tuyến đê biển, đê cửa sông, các địa phương bên cạnh việc gia cố bảo vệ các vị trí xung yếu cần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng chống bão./.