Hà Nội có thể có đường phố mang tên Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh

Hội Nhà văn Việt Nam đang xem xét, kiến nghị đặt tên kịch tác gia Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh - hai cây bút tiêu biểu của văn học thơ ca Việt Nam - cho đường phố tại Hà Nội.

Ngày 23/8, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ tưởng niệm và hội thảo "Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh với thơ ca đương đại Việt Nam" nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của 2 nhà thơ Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh (1988-2018).

Đây cũng là dịp tri ân những đóng góp của họ với sự phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà.

Tại buổi lễ, các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình… đều ghi nhận Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh là hai cây bút tiêu biểu của thơ ca Việt Nam thời kỳ chống Mỹ. Công chúng dễ dàng nhận ra tinh thần yêu nước của 2 nhà thơ hiện lên qua ngôn từ độc đáo, giản dị, chân thành, phản ánh tâm trạng chung của nhân dân ta thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh ra đi khi đang độ sung sức sáng tạo nghệ thuật. Sau 30 năm họ đi xa, những trang thơ của họ để lại vẫn còn khiến chúng ta xúc động. Câu chữ của họ "tràn" ra từ tâm hồn, viết lên từ những xúc cảm và tài năng thực sự.

Nhà thơ Bằng Việt, người bạn thân thiết với vợ chồng Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh khẳng định, sau 30 năm, những người còn sống vẫn cảm nhận được rõ nét sự trẻ trung không có tuổi, tính năng động không hạn hẹp với thời gian của họ, hai gương mặt chưa bao giờ cũ trong con mắt "xét nét" của hết thảy chúng ta.

Tác giả bài thơ “Bếp lửa” chia sẻ, từ thời mới bước chân vào sáng tác, cả Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đều không hề bằng lòng với một cách viết vuông tròn, kiểu mọi thứ đều có đủ, tròn trịa để không ai chê trách.

Đó cũng chính là một triết lý thú vị về cách sống, mối quan hệ kết nối trong tình cảm và sáng tác của cặp đôi tài năng này.

[Những đóng góp của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với sân khấu đương đại]

Nhà thơ Anh Ngọc ôn lại những ấn tượng, kỷ niệm khi đọc thơ Lưu Quang Vũ cũng như khi gặp gỡ. Ấn tượng đầu tiên về thơ của Lưu Quang Vũ là tạo cho bạn đọc dòng cảm xúc dào dạt, dường như không bờ bến, bất chấp mọi khuôn khổ của thơ ca thường tình.

Hình như Lưu Quang Vũ đã vượt qua những phép tắc kỹ thuật, chẳng mấy quan tâm đến cấu tứ, bố cục, ý tại ngôn ngoại… Anh để mặc cho trái tim mình tự do ca hát như một dòng sông tự tìm lấy con đường đi ra tới biển khơi mà không chịu chảy theo một bờ đê, con đập nào định sẵn.

Dành trọn tình yêu với nhà thơ Xuân Quỳnh, phó giáo sư-tiến sỹ Lưu Khánh Thơ chia sẻ, ngòi bút của Xuân Quỳnh đã được thử thách qua thời gian với nhiều loại chủ đề khác nhau, trong đó, có những bài thơ về tình yêu đã đạt tới đỉnh cao.

Dù đi vào những vấn đề lớn của đất nước hay trở về với tình cảm riêng tư, thơ Xuân Quỳnh bao giờ cũng là tiếng nói rất riêng của một tâm hồn phụ nữ thông minh, sắc sảo, đầy nữ tính.

Đọc tác phẩm của Xuân Quỳnh, người đọc gần như hình dung được chị sống ra sao, đã yêu thương day dứt những gì.

Lấy sự chân thực làm điểm tựa cho các cảm xúc sáng tạo, thơ của Xuân Quỳnh chính là đời sống, là tâm trạng thật của chị trong mỗi bước vui buồn của đời sống.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng gia đình Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh là “danh gia vọng tộc“ về văn chương. Lưu Quang Vũ hình thành nhân cách, tài năng từ sớm và anh đã có nhiều cống hiến cho văn thơ chống Mỹ. Thơ của anh có chiều sâu văn hóa.

Lưu Quang Vũ còn là tác giả của "gia tài" đồ sộ hơn 50 vở kịch. Riêng về Xuân Quỳnh, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, chị có hai yếu tố rất đáng khâm phục đó là bản năng và nghị lực. Nhờ những yếu tố này mà thơ chị rất tự nhiên, hiện đại, nhiều cảm xúc.

Thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đã vượt qua mọi giới hạn, chạm vào tận đáy tâm hồn, cảm xúc của người đọc.

Với những đóng góp cho sự nghiệp văn học nghệ thuật nước nhà, Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đều được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Hội Nhà văn Việt Nam luôn trân trọng, quý mến thực tài của Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh.

Hội Nhà văn Việt Nam đang xem xét, kiến nghị đặt tên Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh cho đường phố tại Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục