Hà Nội còn 13.600 vụ vi phạm công trình thủy lợi chưa xử lý

Đến nay, Hà Nội xảy ra trên 15.000 vụ vi phạm Pháp lệnh về khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi, trong đó vẫn còn 13.620 vụ chưa được xử lý.
Hà Nội còn 13.600 vụ vi phạm công trình thủy lợi chưa xử lý ảnh 1(Ảnh minh họa: Đình Huệ/TTXVN)

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra trên 15.000 vụ vi phạm Pháp lệnh về khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi, trong đó vẫn còn 13.620 vụ vi phạm chưa được xử lý.

Các vi phạm Pháp lệnh về Khai thác và Bảo vệ các công trình thủy lợi làm ảnh hưởng đến các công trình bảo vệ đê điều, cũng như ảnh hưởng đến chất lượng nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân vùng ngoại thành Hà Nội, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Để ngăn chặn tình trạng vi phạm hành lang đê điều cũng như các công trình thủy lợi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội trong thời gian tới cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức phân công và hướng dẫn chi tiết các ngành, các quận huyện, thị xã để triển khai đồng bộ, thống nhất.

Trong quá trình xử lý vi phạm cần coi trọng công tác tuyên truyền, thuyết phục, lên án những vi phạm cũng như những hậu quả có thể để lại sau đó. Việc tuyên truyền không nên chỉ dừng lại ở người dân các địa phương mà cán bộ cơ sở, cán bộ quản lý cũng cần phải hiểu làm theo.

Đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, xả thẳng nước thải vào công trình thủy lợi, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường cần xử lý kiên quyết, triệt để các doanh nghiệp này theo Luật Bảo vệ môi trường và Pháp lệnh Đê điều.

Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã cần tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của thành phố, tu bổ đê điều, công trình thủy lợi; thường xuyên kiểm tra và thường trực công tác phòng chống lụt bão, xử lý kịp thời vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi…

Các địa phương ven đê phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm chuyển biến và nâng cao nhận thức, tăng cường ý thức cảnh giác của cán bộ, các tầng lớp nhân dân đối với công tác phòng, chống thiên tai, tránh tư tưởng chủ quan, tạo điều kiện mọi người, mọi nhà, mọi cơ quan, đơn vị chủ động đối phó với lũ, bão, mưa úng và kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm mới phát sinh để xử lý nghiêm.

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Thành phố cũng đã điều động xuồng cao tốc hỗ trợ phương tiện cho Ủy ban Nhân dân huyện Phú Xuyên tổ chức tuần tra và phối hợp ngăn chặn, xử lý việc khai thác cát trái phép trên sông.

Tuy nhiên, qua báo cáo của các Hạt Quản lý đê Phú Xuyên, Sơn Tây, Phúc Thọ, tình trạng khai thác cát lòng sông địa bàn giáp ranh huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên và huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội; địa bàn giáp ranh huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc và thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội vẫn tiếp tục diễn ra.

Các nguồn xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội gây ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến việc cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp bao gồm nước thải khu công nghiệp, nước thải khu vực dân sinh, khu đô thị, nước thải làng nghề, cơ sở sản xuất nhỏ, nước thải bệnh viện, nước thải chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm.

Tính đến hết quý 1 năm nay, trên hệ thống công trình thủy lợi do các Công ty Thủy lợi quản lý có 1.452 điểm xả thải công nghiệp, khu đô thị, sản xuất làng nghề, sản xuất nông nghiệp, bệnh viện và dân sinh.

Các vi phạm Luật Đê điều chủ yếu là xây dựng công trình, dựng lều lán trại trên mặt đê, mái đê, triền đê, chất thải lên phạm vi bảo vệ đê; đào xẻ, xây dốc, phá chạch, đắp và tôn cao đê, khai thác cát trái phép gây sạt lở nghiêm trọng đến diện tích đất canh tác nông nghiệp của người dân…

Các huyện có vi phạm về bảo vệ hành lang đê điều đứng đầu là huyện Ứng Hòa, tiếp đến là các huyện Đông Anh, Thường Tín, Gia Lâm, quận Bắc Từ Liêm, Ba Vì…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm các công trình thủy lợi gia tăng một phần là do các vi phạm đê điều trong thời gian qua chưa được xử lý dứt điểm cộng thêm nước thải ở các khu công nghiệp chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu đã xả thẳng vào các công trình thủy lợi gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan chức năng với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, chưa có chỉ đạo, tổ chức xử lý ngay các trường hợp vi phạm từ khi mới phát sinh, đáng chú ý, nhiều vụ vi phạm phức tạp, kéo dài nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục