Hà Nội còn trên 13.300 vụ vi phạm công trình thủy lợi

Năm 2013, Hà Nội đã giải tỏa được gần 1.600 vụ vi phạm khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, còn tồn tại trên 13.300 vụ chưa xử lý.
Hà Nội còn trên 13.300 vụ vi phạm công trình thủy lợi ảnh 1Kè đá đê hữu Hồng. (Ảnh Bùi Tường/TTXVN)

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Lê Xuân Uyên cho biết năm 2013, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra gần 15.000 vụ vi phạm pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, trong đó đã giải tỏa được gần 1.600 vụ, còn tồn tại trên 13.300 vụ chưa xử lý.

Cụ thể, các vụ vi phạm xảy ra nhiều nhất xảy ra ở khu vực sông Nhuệ do Công ty Đầu tư phát triển Thủy lợi sông Nhuệ quản lý còn tồn tại trên 7.800 vụ; sông Đáy do Công ty đầu tư thủy lợi sông Đáy quản lý còn tồn tại trên 3.800 vụ; sông Tích còn tồn tại trên 1.000 vụ...

Riêng trong tháng 10, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 43 vụ vi phạm công trình thủy lợi, trong đó mới chỉ giải tỏa được 9 trường hợp.

Các công ty để xảy ra nhiều vụ vi phạm công trình thủy lợi nhất là Công ty Đầu tư phát triển Thủy lợi để xảy ra 18 vụ, Công ty Đầu tư phát triển Thủy lợi sông Đáy 12 vụ, Công ty Đầu tư phát triển Thủy lợi sông Tích xảy ra 13 vụ, đã giải tỏa được 8 vụ.

Năm qua, các Công ty Đầu tư và phát triển thủy lợi đã phối hợp với chính quyền địa phương giải tỏa gần 1.600 vụ lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, tập trung ở các huyện Phú Xuyên, Từ Liêm, Thanh Trì, Thanh Oai, Ứng Hòa.

Các trường hợp này chủ yếu là vi phạm về trồng cây trên mái kênh, trên bờ, hành lang công trình thủy lợi làm cản trở dòng chảy, làm lều quán, xây nhà cấp 4...

Để xử lý triệt để các vi phạm công trình thủy lợi, Chi cục Thủy lợi đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố thành lập Ban chỉ đạo giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi, trước mắt giải tỏa các vụ vi phạm phát sinh năm 2011 đến nay và các vụ vi phạm trực tiếp gây cản trở dòng chảy, giải tỏa các vụ vi phạm trong lòng kênh, sông; sau đó giải tỏa vi phạm trên mái, mặt đê, từng bước giải tỏa dần các vụ vi phạm tồn tại cũ; kiên quyết ngăn chặn không để tái vi phạm sau giải tỏa và vi phạm mới phát sinh.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã cần tăng cường công tác tuyên truyền Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đồng thời có biện pháp xử lý vi phạm kiên quyết đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm công trình thủy lợi; ký cam kết với các hộ dân sống lâu trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi để lập hồ sơ quản lý và giám sát chặt chẽ không để các vi phạm mới phát sinh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục