Hà Nội đầy "mạng nhện", doanh nghiệp thu lợi

Trong khi cuộc "đấu khẩu" trên mặt báo giữa "ông điện" và "ông viễn thông" xung quanh "cái cột điện" vẫn chưa đến hồi kết thúc bởi những bất đồng về quyền lợi, Thủ đô cổ kính vẫn phải “oằn lưng vì mạng nhện” những búi, những mạng dây dợ đủ loại, nhằng nhịt trên không.

Trong khi cuộc "đấu khẩu" trên mặt báo giữa "ông điện" và "ông viễn thông" xung quanh "cái cột điện" vẫn chưa đến hồi kết thúc bởi những bất đồng về quyền lợi, Thủ đô cổ kính vẫn phải “oằn lưng vì mạng nhện” những búi, những mạng dây dợ đủ loại, nhằng nhịt trên không.

Đó là một thực tế khiến nhiều người Hà Nội không khỏi xót xa, nhất là khi đại lễ kỷ niệm Thăng Long-Hà Nội 1.000 năm tuổi đang cận kề.

Điện “vẽ đường”, viễn thông “chạy”


Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mặc dù mục đích đầu tư cột điện là để phục vụ việc truyền tải an toàn điện lưới nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, từ nhiều năm trước đây, EVN đã đồng ý để các doanh nghiệp viễn thông sử dụng cột điện treo cáp viễn thông.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc EVN chia sẻ cơ sở hạ tầng cột điện với các doanh nghiệp khác vì lợi ích chung là việc hoàn toàn bình thường nhưng điều đáng bàn là EVN thu 81 tỷ đồng/năm của các doanh nghiệp nhưng lại không làm nổi nhiệm vụ giám sát việc thực thi chủ trương này. Hầu hết các hợp đồng kinh tế được ký giữa các công ty điện lực với các doanh nghiệp thường "quên" mất điều khoản quan trọng yêu cầu doanh nghiệp treo cáp phải đánh mã số trên cáp để quản lý.

Vì vậy, khi "sự đã rồi," không thể mạnh tay xử lý vì không biết được đâu là cáp có chủ, đâu là cáp vô chủ. Thêm vào đó, trong bối cảnh "tăng tốc" chóng mặt của ngành viễn thông mà lại chưa có quy chế quản lý việc treo nổi đường dây, nhiều doanh nghiệp chỉ biết đến “lợi và tiện” của riêng mình đã tha hồ “tự tung tự tác” treo cáp trên cột điện.

Các chuyên gia cho rằng chuyện bất đồng quyền lợi giữa các doanh nghiệp trong thời buổi kinh tế thị trường là chuyện cơm bữa và sẽ được giải quyết khi mỗi bên “nhún” một chút nhưng còn quyền lợi chung của cả cộng đồng là an toàn vận hành hệ thống điện, an toàn tính mạng người dân và mỹ quan đô thị thì chưa biết đến bao giờ mới được quan tâm đúng mức.

Theo thống kê, toàn quốc có trên 1 triệu cột điện, trong đó Hà Nội có trên 92.000 cột điện đang “cõng” trên lưng một khối lượng cáp thông tin khổng lồ, treo không đúng kỹ thuật, thậm chí 30% trong số cáp vắt trên cột là cáp hỏng, cáp vô chủ. Vì vậy, Thủ đô xanh sạch trước kia nay được bao bọc bởi “mạng nhện” dây dợ nhằng nhịt.

Thậm chí, khi cột điện không còn đủ chỗ để treo cáp, các doanh nghiệp đã phát minh ra kiểu vắt cáp trên cành cây, mái nhà dân hoặc thắt nút thòng lọng treo lơ lửng vắt qua đường, qua phố.

Người phát ngôn của Công ty Điện lực Hà Nội, bà Nguyễn Minh Huệ thừa nhận từ 16 doanh nghiệp ban đầu ký hợp đồng kinh tế để sử dụng cột điện mắc cáp vào năm 2003, đến nay, công ty cũng không thể biết được có bao nhiêu doanh nghiệp đã tự ý treo cáp trên cột điện.

Cột điện hạ thế được thiết kế chịu tải từ 200 - 360kg nhưng bây giờ có lẽ phải chịu tải gấp nhiều lần. Khó khăn lớn nhất là các doanh nghiệp tư nhân thường nhè ban đêm để kéo cáp trộm và cáp thông tin lại không đánh mã số nên Công ty không thể tự ý cắt cáp.

Bà Huệ còn cho biết ngay cả các doanh nghiệp lớn như Bưu Điện Hà Nội 1, Truyền hình cáp Hà Nội, Truyền hình Trung ương, FPT, Viettel khi ký hợp đồng kinh tế với Công ty Điện lực đã cam kết tháo dỡ cáp trên cột điện (trong vòng 30 ngày) khi công ty yêu cầu để di dời hoặc cải tạo lưới điện nhưng điều khoản này thường không được các bên cam kết thực hiện.

Chính vì vậy, việc hạ ngầm lưới điện hạ thế đang được thành phố và công ty tiến hành gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều khu vực như Thụy Khê, Võng Thị, Ngọc Hà, Tràng Thi, Bắc Thành Công, việc hạ ngầm lưới điện hạ thế đã hoàn thành nhưng công ty vẫn không thể thu hồi cột điện cũ bởi các doanh nghiệp không chịu tháo dỡ cáp.

Trả lại vẻ đẹp cho Thủ đô

Để chấn chỉnh tình trạng “mạng nhện giăng tơ” như hiện nay, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành quy định về cải tạo, sắp xếp lại các đường dây, cáp đi nổi. Theo đó, khu đô thị quy hoạch mới và những tuyến đường mới phải xây dựng cơ sở hạ tầng trước sau đó mới xây dựng các công trình xây dựng, nhà ở.


Đối với hệ thống đường dây, cáp đi nổi đã có từ trước, trước mắt, đơn vị quản lý đường dây, cáp có trách nhiệm kéo lại dây, cáp trùng võng, tháo bỏ những đường dây, cáp không sử dụng, tháo dỡ các cuộn cáp dự phòng hiện đang treo và sắp xếp, hạ ngầm đường dây, cáp theo quy định.

Trong thời gian tới, để hiện thực hóa chủ trương “thành phố không dây” tại Hà Nội, Nhà nước sẽ làm sẵn đường ống ngầm còn doanh nghiệp muốn đưa dây xuống hệ thống ngầm phải trả phí, giống như hình thức thuê đường ống.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc hạ ngầm dây nổi đang triển khai tại một số khu vực nội thành Hà Nội trong thời gian qua chưa đồng bộ, chủ yếu chỉ là hạ ngầm dây điện, còn các đơn vị quản lý cáp viễn thông, cáp truyền hình không “mặn mà” với việc hạ ngầm này bởi sự bất tiện khi quản lý vận hành và làm tăng chi phí. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh viễn thông còn sẵn sàng đem người tiêu dùng ra làm “vũ khí lợi hại” trong các cuộc “đấu khẩu” về quyền lợi trong thời gian vừa qua.

Nhiều chuyên gia cho rằng chủ trương “thành phố không dây” sẽ khó lòng thực hiện khi Nhà nước chưa có một quy chế đủ mạnh để buộc các đơn vị kinh doanh có cáp đi nổi phải có một chiến lược đầu tư dài hơi, thay vì tình trạng “bóc ngắn cắn dài” nhằm tiết giảm chi phí, “tiện cho mình nhưng bất tiện cho người” như hiện nay.

EVN vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương và Bộ Thông tin Truyền thông đề nghị ban hành quy chế treo cáp thông tin trên cột điện trên phạm vi toàn quốc nhằm đảm bảo an toàn vận hành lưới điện, an toàn tính mạng người dân và mỹ quan đô thị. Khi 2 bộ ban hành quy chế sẽ kèm theo hướng dẫn cụ thể chế tài xử lý với các trường hợp treo trộm cáp.


Còn hiện nay, trong khi biện pháp tình thế tăng giá thuê cột điện lên 4 - 6 lần “nhằm hạn chế các doanh nghiệp mắc cáp” khó lòng thực hiện do vấp phải sự phản đối kịch liệt của 8 doanh nghiệp viễn thông, EVN vẫn khoanh tay bất lực với đống dây dợ nhằng nhịt giăng trên cột điện như một sự trả giá đắt cho trình độ quản lý non kém của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục